Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  2. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Rậm.
  3. Tê tê
    Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.

    Con tê tê

    Con tê tê

    Mây vẩy tê tê

    Mây vẩy tê tê

  4. Cơn táp
    Cơn gió lốc.
  5. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  6. Tấc
    Đơn vị đo chiều dài. Một tấc ngày trước bằng 1/10 thước hoặc bằng 10 phân (tương đương 4 cm bây giờ), nay được chuyển thành 1/10 mét.
  7. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  8. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  9. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.
  10. Ngọt ngay
    Cũng nói là ngọt ngây, cách nói của Trung và Nam Bộ để mô tả vị ngọt đậm đà.

    Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây
    Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây

    (Hành trình trên đất phù sa - Thanh Sơn)

  11. Trầm
    Chìm (từ Hán Việt).
  12. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  13. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  14. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  15. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  16. Tu
    Uống nhiều liền một mạch bằng cách ngậm trực tiếp vào miệng vật đựng.
  17. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  18. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  19. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  20. Bồ Đề
    Tên một bến nước xưa thuộc làng Phú Viên (tức Bồ Đề) ở ven sông Hồng về phía Gia Lâm. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh, đã đóng quân ở đây để vây thành Đông Quan (tên thành Hà Nội thời quân Minh đô hộ). Ở đây có hai cây bồ đề lớn, nay không còn. Nghĩa quân Lam Sơn đóng quân quanh đấy nên doanh trại còn được gọi là "doanh Bồ Đề."
  21. Còn sống thì màu trắng, chết thì có màu đỏ.
  22. Tang chế
    Phép tắc để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  23. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  24. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  25. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  26. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  27. Thao
    Loại vải có sợ thô và to, mặt vải còn chưa sạch gút (mối vải).
  28. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  29. Phạm Công
    Tức Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, thân phụ của bà Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế.

    Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch, bấy giờ còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Quyết không để rơi vào tay giặc, bà đã nhảy xuống sông tự vẫn. Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh, nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm  Thị Uyển trong đền Dục Anh

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm Thị Uyển trong đền Dục Anh

  30. Phò
    Phù trợ, phù hộ (từ Hán Việt).