Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Làng La
    Tên gọi chung bảy làng ở huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bảy làng gồm: La Cả (Ỷ La và La Nội), La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh. Xưa kia bảy làng này đều có nghề dệt cổ truyền. La (羅) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là dệt sợi, đan sợi. Các làng dệt thờ 10 vị tiên sư sống vào thời Lê Trung Hưng từ nơi khác đến cư ngụ và có công cải tiến nâng cao kỹ thuật dệt. Ngoài ra nơi đây còn thờ ông Trần Quý (thế kỷ 19) làm ông tổ nghề dệt gấm.
  2. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  3. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  4. Bần Yên Nhân
    Gọi tắt là làng Bần, một địa danh nay là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Làng Bần nổi tiếng với tương Bần, loại tương đặc trưng của miền Bắc, được sản xuất từ thế kỉ 19.

    Tương Bần

    Tương Bần

  5. Vạn Vân
    Một thương hiệu nước mắm do doanh nhân Đoàn Đức Ban sáng lập, từng nổi danh toàn xứ Bắc Kỳ dưới thời Pháp thuộc (từ sau năm 1959, đổi tên thành nước mắm Cát Hải cho đến nay) và ở giai đoạn hưng thịnh giữa những năm 1930 được xem là cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Dương (năm 1939 bắt đầu mở đại lí tại Paris, Pháp). Ông Đoàn Đức Ban đã khôn ngoan sử dụng tên của làng Vân, một làng quê Kinh Bắc từ xưa nổi tiếng về nghề làm rượu và nước mắm, để làm thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhờ vậy đã chiếm được lòng tin của toàn miền Bắc và đạt được thành công lớn.

    Doanh nhân Đoàn Đức Ban cũng chính là thân phụ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả của nhiều những ca khúc tiền chiến bất hủ: Tình nghệ sĩ, Lá thư, Đường về Việt Bắc, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay...

    Ông Đoàn Đức Ban

    Ông Đoàn Đức Ban

  6. Đến nay vẫn còn tranh cãi về hai chữ "Vạn Vân" được nhắc đến trong câu này. Nếu viết hoa chữ "Vạn" thì đây là thương hiệu nước mắm Vạn Vân. Nếu viết thường thì có lẽ câu này muốn chỉ làng Vân (vạn nghĩa là làng chài).
  7. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  8. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  9. Muối dưa
    Trộn một hoặc nhiều loại rau, củ, quả với muối và một số gia vị rồi để lên men cho chua, dùng làm thức ăn.

    Dưa cải muối

    Dưa cải muối

  10. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  11. Thiên Thai
    Tên một ngọn núi trong truyện Lưu Thần - Nguyễn Triệu đời nhà Hán (Trung Quốc). Nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch), hai người vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc, gặp tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Khi về đến quê hương thì Lưu - Nguyễn thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.

    Thiên Thai được dùng để chỉ cảnh tiên. Việt Nam ta cũng có một câu chuyện tương tự là Từ Thức gặp tiên.

    Nghe bản nhạc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao.

  12. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  13. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  14. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  15. Khoai sọ
    Tên chung của một số giống khoai (khoai sọ trắng, khoai sọ sớm, khoai sọ muộn, khoai sọ nghệ, khoai sọ núi...) tương tự khoai môn như cho củ nhỏ hơn, nhiều tinh bột. Khoai sọ ăn được, thường để luộc, nấu canh hoặc nấu chè, hoặc cũng dùng làm thuốc. Ở một số vùng quê trước đây có nhiều khoai sọ mọc hoang, người dân thường tìm đào ăn trong những mùa đói kém.

    Khoai sọ

    Khoai sọ

  16. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  17. Ân trượng nghĩa dày
    Ơn nặng nghĩa dày.
  18. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  19. Don
    Một loại thân mềm giống hến, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, là đặc sản chỉ có ở Quảng Ngãi. Cứ từ tháng giêng âm lịch đến cuối mùa hè, người dân miền đông Quảng Ngãi, nơi sông Trà đổ ra biển (cửa Đại Cổ Lũy) lại rủ nhau đi nhủi (cào) don, chế biến thành nhiều món ăn ngon.

    Don

    Don

    Don xào xúc bánh tráng

    Don xào xúc bánh tráng

  20. Có bản chép: có.
  21. Ui
    Đồ đựng làm bằng đất nung, có nắp đậy. Trước đây người dân Quảng Ngãi thường đựng don trong cặp ui để giữ nóng, gánh đi bán dạo.
  22. Tiếp gai
    Tiếp xơ sợi gai để xe sợi vá lưới (phương ngữ).
  23. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  24. Đây là hai câu 111-112 trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, bản dịch chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm.
  25. Vọng cách
    Một loại cây mọc hoang có lá mọc đối, hình tim, mặt trên láng, mặt dưới có ít lông. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc thành chùm. Quả tròn, cỡ đầu ngón tay, khi chín có màu đen. Lá có mùi thơm, thường dùng làm rau sống, nấu canh, cuốn thịt bò nướng…

    Cây cách

    Cây cách

  26. Chữ "cách" trong tên cây cách đồng âm với chữ "cách" trong "cách trở" (Thiếp sau cánh cửa, chàng ngoài chân mây).
  27. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  28. Hồi
    Quay về (từ Hán Việt).
  29. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  30. Đồng âm với cậu ấm.
  31. Nồi Rang
    Tên một cái chợ cổ, nay thuộc thôn 3, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Chợ Nồi Rang

    Chợ Nồi Rang

  32. Theo Lê Gia trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Hạ võng là để thấp cái võng cáng xuống mà mình đang khiêng để người đang nằm trên đó có thể bước xuống bên vệ đường mà đi đái. Câu này có nghĩa là mình không biết người ta cần gì để mà giúp đỡ họ cho đúng lúc.

    Một vị quan đi võng (thời nhà Nguyễn)

    Một vị quan đi võng (thời nhà Nguyễn)

  33. Công hầu
    Công và hầu, nghĩa gốc là hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  34. Giảm Thọ
    Tên một dốc núi cao làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Quế Sơn và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đây là một con dốc rất cao, đường đi khó khăn.
  35. Đèo Le
    Một cái đèo nằm giữa hai xã Quế Long và Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía Tây Nam. Đèo này vốn do người Pháp khai phá thành con đường lên Nông Sơn và đặt tên là Đờ - Le. Vì đèo cao và dài, đường sá gập ghềnh khó đi, muốn vượt qua thì phải mất nhiều công sức, hết cả hơi thở nên dân gian mới gọi là đèo Le (le với hàm ý là le lưỡi). Hiện nay đây là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, với món đặc sản là gà tre Đèo Le.

    Điểm du lịch Đèo Le

    Điểm du lịch Đèo Le

  36. Cu ngói
    Một giống chim cu (bồ câu) hay gặp ở các vùng đất nhiều bụi rậm và khô. Cu ngói có phần lưng, cánh và đuôi có màu nâu ánh đỏ (có lẽ vì vậy mà có tên là cu ngói).

    Cu ngói

    Cu ngói

  37. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  38. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  39. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  40. Bụng ỏng
    Bụng to phình, thường được dùng để gọi đùa người có thai.