Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hòn Lớn
    Tên chữ là Đại Dự, một hòn đảo lớn nằm trong vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Phía sau đảo này rất kín gió, nên là nơi che chắn giông bão, tàu thuyền cho người đi biển.
  2. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  3. Áo cổ giữa
    Cũng gọi là áo cổ trịt (cổ trệt), một loại áo ngắn của người bình dân, gài nút trước ngực, không bâu, nếu là áo nam thường có xẻ nách, còn áo nữ thì bít kín.
  4. Kinh nghiệm chọn trâu tốt.
  5. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  6. Ba đào
    Sóng gió, chỉ sự nguy hiểm, bất trắc (từ Hán Việt).
  7. Kim Long
    Tên một ngôi làng thuộc đất Hà Khê, phía Tây thành nội Huế. Năm 1636, chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phước Lan dời phủ đến xứ này và đổi tên Hà Khê thành Kim Long (rồng vàng). Làng Kim Long thành phủ Kim Long. Phủ Kim Long tồn tại 51 năm, sau đó năm 1687, phủ chính được dời về làng Phú Xuân. Tên Kim Long hiện nay được dùng khá phổ biến tại vùng Kim Long xưa như: phường Kim Long, đình Kim Long, cầu Kim Long, chợ Kim Long, bến đò Kim Long, và đường Kim Long.

    Trước đây vùng đất này có tên là Kim Luông. Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Sơ đồ thủ phủ Kim Long

    Sơ đồ thủ phủ Kim Long

  8. Nam Phổ
    Còn gọi là Nam Phố, tên một làng nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh canh Nam Phổ. Trước đây ở vùng đất này cũng có nghề trồng cau truyền thống - cau Nam Phổ là một trong những sản vật tiêu biểu của Phú Xuân-Thuận Hóa ngày xưa.

    Bánh canh Nam Phổ

    Bánh canh Nam Phổ

  9. Làng Sình
    Còn gọi là làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
  10. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  11. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  13. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Ngã ba Sình
    Ngã ba sông nơi gặp nhau giữa sông Hương và sông Bồ trước khi xuôi về phá Tam Giang đổ ra biển. Đây cũng là nơi sinh tụ của nhiều làng nghề như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc. Video về Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

  15. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  16. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  17. Lia thia
    Còn được gọi với các tên cá thia thia, cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt, có kích cỡ nhỏ, vảy khá sặc sỡ nên thường được nuôi làm cảnh.

    Cá thia thia

    Cá lia thia

  18. Hòn Dứa
    Một hòn đảo nhỏ thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Xung quanh đảo có gành đá rạng lô nhô trên mặt nước, một số chìm khuất nên thuyền bè không thể cập bến được. Phía nam hòn đảo này không có rạn (bãi đá), rộng khoảng 50m, thuyền vào được nhưng phải là dân địa phương, am tường địa thế mới dám lái thuyền vào đậu sát mé. Trên đảo có rất nhiều dứa mọc thành từng chòm. Có lẽ vì đặc điểm này nên đảo có tên Hòn Dứa.

    Hòn Dứa ngoài khơi huyện Tuy An, Phú Yên. Bãi đá đen phía trước Hòn Dứa là một phần của bãi đá cạn được gọi là Hòn Than. Xa xa phía nam đằng sau Hòn Dứa là núi Đá Bia.

    Một góc bãi cát phía tây nam Hòn Dứa. Bãi cạn đá đen phía trước Hòn Dứa là Hòn Than. Phía xa xa đằng sau là núi Đá Bia.

  19. Hòn Than
    Một hòn đảo nằm giữa Hòn ChùaHòn Dứa, nay thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.
  20. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  21. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  22. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  23. Trôm
    Một loại cây thân gỗ, cho mủ (nhựa) có vị ngọt, thường được dùng làm thức uống giải khát.

    Khai thác mủ trôm

    Khai thác mủ trôm

  24. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  25. Tù và
    Một loại dụng cụ làm từ sừng trâu, sừng bò, ngà voi, hoặc các loại vỏ ốc, thường dùng để báo hiệu bằng cách thổi vào phần đáy. Trong chiến tranh, tù và được dùng để đốc thúc tinh thần quân sĩ. Tù và cũng là nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc thiểu số.

    Tù và sừng trâu

    Tù và sừng trâu

  26. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  27. Trẻ trồng na, già trồng chuối
    Na là loại cây lâu năm, muốn trồng na lấy quả thì phải trồng từ lúc trẻ. Còn chuối là loại cây một năm, sớm cho quả, người già trồng vẫn được hưởng thành quả của mình.
  28. Lụy
    Chịu khốn khổ lây vì việc của người khác.