Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Khi hò, người hò có thể thay chữ "em" trong bài này thành "anh," "chị," "ông," "bác"... tùy theo người đối diện.
  4. Thắt cổ bồng
    Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
  5. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  6. Đại hà
    Sông lớn (từ Hán Việt).
  7. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  8. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  9. Sinh tử
    Cũng như tử sinh, nghĩa là sự sống chết (từ Hán Việt).
  10. Tiền gián
    Cũng gọi là sử tiền, một hạng tiền xuất hiện từ thời nhà Mạc, lưu hành từ thế kỉ 16 đến đầu thế kỉ 20. Tiền gián còn được gọi là sử tiền, có giá trị kém hơn tiền quý (cổ tiền) (một tiền bằng tiền gián chỉ có 36 đồng thay vì 60 đồng) và cũng nhỏ hơn về kích thước (đồng tiền có đường kính khoảng 23 mm thay vì 24 mm).
  11. Chuông kình
    Cũng đọc trại thành chuông kềnh. Lời chú trong bài phú của Ban Cố ở Hậu Hán thư chép: "Trong biển có cá lớn là cá kình, bên biển có con thú là con bồ lao, con bồ lao rất sợ cá kình, hễ cá kình đánh bồ lao thì bồ lao kêu vang lên”. Người xưa tin như vậy cho nên muốn chuông kêu to thì khắc hình con bồ lao lên trên, và làm cái dùi hình con cá kình để đánh. Do đó, tiếng chuông gọi là tiếng kình, dùi đánh chuông gọi là chày kình.
  12. Chó chực chuồng chồ
    Chỉ sự đê tiện, nhục nhã vì miếng ăn.
  13. Săn sắt
    Còn gọi là cá thia lia hoăc cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân hình rất nhỏ nhưng rất phàm ăn.

    Cá cờ

    Cá cờ

  14. Ông Đùng bà Đà
    Đôi vợ chồng khổng lồ vào thời hỗn mang trong thần thoại Việt Nam, có thân hình rất cao lớn và sức khoẻ phi thường.

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

  15. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  16. Theo Vũ Ngọc Phan: Một hôm ông Đùng lội qua suối bị con cá săn sắt cắn vào chân, làm ông giật mình, ngã lăn xuống bờ suối. Thường thì một con vật rất nhỏ cắn vào chân người ta một cách bất ngờ, cũng làm người ta giật mình mà trượt. Từ thực tế ấy, người ta có thể nhận định: nếu nhỏ và yếu mà đánh vào một lực lượng to lớn và khỏe một cách bất ngờ thì vẫn có thể thắng được [...] Còn vế dưới của câu trên "Đắp mười chiếc chiếu không cùng bàn tay" có nghĩa là đắp chiếu lồng cồng, người có ấm, nhưng dù có đắp đến mười chiếc chiếu thì bàn tay vẫn còn cóng, vẫn lạnh, phải ủ bàn tay vào áo thì ngủ mới yên. Như vậy, không phải cứ lấy số đông ào ạt mà đã tác động hoặc áp đảo được một thứ gì nhỏ bé, vây kín được một vật gì nhỏ bé (Tục ngữ ca dao dân ca Viêt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, in lần thứ 9, 1992, tr.68)
  17. Nệ
    Bận tâm, bận lòng, chú ý, chấp nhặt.
  18. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  19. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  20. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  21. Ruộng cả ao liền
    Ruộng lớn rộng bát ngát và ao liền bờ, ý nói cơ ngơi đồ sộ, giàu có.
  22. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  23. Vầy
    Như vậy, như thế này (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Sông Quy
    Tên một con sông thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.
  26. Trẫm
    Gốc từ chữ trầm 沈, nghĩa là chìm. Trẫm mình hay trầm mình nghĩa là tự tử bằng cách nhảy xuống nước cho chết đuối.
  27. Chình
    Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
  28. Lam Cầu
    Cũng gọi là làng Cầu, nay là một thôn thuộc xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trước đây là xã Lam Cầu thuộc tổng Lam Cầu.
  29. Quan Nha
    Tên một làng nay thuộc xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.