Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xa ngái
    Xa xôi, rất xa. Ngái nghĩa là xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  2. Bành
    Ghế có lưng tựa, tay vịn, được mắc chặt trên lưng voi.

    Bành voi

    Bành voi

  3. Ang
    Đồ dùng bằng đất, hình dạng như cái nồi hoặc chậu, dùng để đựng nước hoặc thức ăn cho lợn. Có loại bằng đồng, dùng để đựng trầu.
  4. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  5. Nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết
    Chính sách sắp xếp, sử dụng cán bộ ở các tỉnh phía Nam sau chiến tranh: Những cán bộ bám trụ tại chỗ được bố trí vào những chức vụ quan trọng nhất; ưu tiên thứ hai là cán bộ đã chiến đấu ở chiến khu R; ưu tiên thứ ba dành cho cán bộ đã từng bị đi tù; ưu tiên cuối cùng dành cho cán bộ miền Nam từng tập kết ra Bắc.
  6. Sượng mẹ, bở con
    Kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...). Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon.
  7. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  8. Phú quý tại thiên
    Giàu sang là nhờ trời.
  9. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  10. Ghe lườn
    Loại thuyền độc mộc, dùng để chuyên chở (nhất là chở lúa) trong các kênh rạch vùng Tây Nam Bộ. Ghe lườn này có dáng thuôn dài, mũi nhọn để dễ di chuyển trên các dòng nước hẹp, nhưng cũng vì thế mà dễ bị lật, chìm.
  11. Mốc thích
    Mốc thếch, mốc đến trắng xám ra (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Chơm bơm
    Bù xù. Cũng nói là chôm bôm (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Pheo
    Tre (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Động Từ Thức
    Còn gọi là động Bích Đào, một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá, hiện thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi gắn liền với tích Từ Thức gặp tiên.

    Động Từ Thức

    Động Từ Thức

  15. Hang Bạch Á
    Một cái hang gần động Từ Thức, thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  16. Sự thế
    Việc (sự 事) ở trên đời (thế 世).

    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
    Ai bày trò bãi bể nương dâu

    (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

  17. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  18. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai