Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  2. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  3. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Xống
    Váy (từ cổ).
  6. Lệnh
    Thanh la dùng để báo hiệu lệnh.

    Thanh la

    Thanh la

  7. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  8. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  9. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  10. Cầu Không
    Một làng nay thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
  11. Đại Hoàng
    Một làng nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là quê hương của nhà văn Nam Cao. Làng xưa kia trồng nhiều trầu không, và trầu ngon có tiếng.
  12. Chuối ngự
    Chuối quả nhỏ, khi chín vỏ rất mỏng, màu vàng, thịt chắc và thơm. Xưa kia giống chuối này được đem tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự.

    Chuối ngự

    Chuối ngự

  13. Cội
    Gốc cây.
  14. Theo Lê Gia trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Hạ võng là để thấp cái võng cáng xuống mà mình đang khiêng để người đang nằm trên đó có thể bước xuống bên vệ đường mà đi đái. Câu này có nghĩa là mình không biết người ta cần gì để mà giúp đỡ họ cho đúng lúc.

    Một vị quan đi võng (thời nhà Nguyễn)

    Một vị quan đi võng (thời nhà Nguyễn)

  15. Chém to kho mặn
    Nấu nướng đơn giản, vụng về. Cũng chỉ lối sống đơn giản, thô kệch.
  16. Chúa
    Chủ, vua.
  17. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  18. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  19. Thắt thể
    Như thể, như là (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  20. Công tử bột
    Trong tác phẩm Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam cho rằng thành ngữ Công tử bột có nguồn gốc từ một nhân vật trong hát bội tên là Hoa Bột, Ba Bột: "Hoặc hát khách thằng Bột: rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê. Hoa Bột, Ba Bột là tên của nhân vật xấu gần như vai hề, tính tình kiêu hãnh trong tuồng hát bội (nay hãy còn gọi là công tử bột). Trong Kim Thạch Kì Duyên của Thủ Khoa Nghĩa có bài hát thằng Bột: Cậu Ái Lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang, như nhà cụ: cửa nhà chớn chở bạc vàng, hầu thiếp nhởn nhơ điếu đỏ. Nói chi bạn hàng cũ, nuốn con gái nguyên. Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiến chi hoang, sướng đế sướng đê chí sướng…"

    Ngày nay thành ngữ này dùng để chỉ những công tử, cậu ấm con nhà giàu, không biết làm việc gì, chỉ biết chơi (hoặc học).

  21. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  22. Ngùi ngùi
    Bùi ngùi.