Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kiến bất thủ nhi tầm thiên lí
    Ở ngay trước mắt mà không giữ lấy, cứ mải đi tìm ở chốn xa xôi.
  2. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  3. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  4. Đáo xứ lai
    Bay về nơi nao.
  5. Tưởng
    Nghĩ, cho rằng.
  6. Anh lùn xem hội
    Người lùn thấp đi xem hội (hay xem hát) đứng sau không nhìn được, thấy người ta khen chê gì thì mình theo nấy. Nghĩa bóng: Theo đuôi mà phụ họa, không có chính kiến riêng.
  7. Loang toàng
    Như luông tuồng. Lung tung, bừa bãi, không biết giữ gìn.
  8. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  9. Ô danh
    Tiếng xấu (từ Hán Việt).
  10. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  11. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  12. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  13. Xạ hương
    Chất do hươu xạ và một số loại cầy tiết ra, có mùi thơm đặc biệt, thường được khai thác làm hương liệu, nước hoa và các loại dược phẩm.
  14. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  16. Có bản chép: nép ở
  17. Đồng Lầm
    Tên cũ của làng Kim Liên, nay thuộc phường Phương Liên, huyện Đống Đa, Hà Nội. Làng được lập nên từ năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô về thành Thăng Long. Đến năm Kỷ Sửu (1619), vua Lê Thần Tông đổi tên làng thành Kim Hoa (Bông hoa vàng). Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị đổi tên làng thành làng Kim Liên (Bông sen vàng), vì kỵ húy mẹ vua là Hồ Thị Hoa. Xưa kia, dân làng sống thành từng xóm ven các gò đất cao với nghề làm ruộng, thả cá, thả rau muống, thả sen, nhuộm vải...
  18. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  19. Duyên Hà và Thần Khê là hai huyện thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay gồm các xã Đông Đô, Tây Đô, Bình Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Theo truyền thuyết, thứ phi thứ năm của vua Lê Thái Tông là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, khi đang có thai đã được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và đại thần Đinh Liệt bí mật đưa về Đô Kỳ để tránh bị thứ phi thứ tư là Nguyễn Thị Anh hãm hại. Khi được đón về đến cầu Chày, bên này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì bà trở dạ, nhưng mãi không sinh được. Thấy vậy, bà bèn bảo mang hương hoa đến và thắp hương khấn rằng:

    Phải là con mẹ, con cha
    Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê

    Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), đặt tên là Lê Tư Thành, chính là vua Lê Thánh Tông sau này.

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

  20. Có nguồn dẫn thêm hai câu:

    Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh
    Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi

    Chữ Vạn Ninh này, có người cho là chỉ vạn chài hoặc cửa biển, có người lại cho là chốn yên nghỉ vĩnh hằng.

  21. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Tử tôn
    Con cháu (từ Hán Việt).
  24. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  25. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  26. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  27. Đất Đỏ
    Tên một con đèo cao gần 700m thuộc cao nguyên Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
  28. Đồng Dài
    Địa danh nay thuộc huyện Đồng Xuân, một huyện miền núi Tây Bắc của tỉnh Phú Yên.
  29. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  30. Đồng Cọ
    Vùng núi nay thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ở đây có kiểu mưa địa hình rất đặc biệt: đang nắng có thể mưa to ngay được, có khi mưa rách lá chuối đầu làng, nhưng cuối làng vẫn khô ráo, gọi là mưa Đồng Cọ.
  31. Bạch canh, áo già
    Hai giống lúa được gieo trồng ở tỉnh Phú Yên. Sách Tổng quan Phú Yên, phần 3 (Kinh tế) có viết: "Theo thống kê vụ tháng 8-1937 của Trạm nông nghiệp Phú Yên (cơ sở thực nghiệm) các giống lúa đưa vào gieo trồng gồm: Áo già, bạch canh, ba trăng, bông giang..."
  32. Có một số dị bản khác nhau về các địa danh thuộc tỉnh Phú Yên trong câu này.
  33. Phú Điền
    Tên một làng nay thuộc xã An Hoà, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
  34. Phú Cốc
    Tên một ngọn đèo phần lớn thuộc thôn Phú Thạnh, phần còn lại thuộc thôn Phú Liên (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Đèo cao, ngày trước có nhiều cọp, beo.