Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  2. Bén
    Chạm vào, quen với, gắn bó với.

    Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
    Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

    (Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)

  3. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  4. Câu đối
    Một thể loại sáng tác văn chương có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm hai vế đối nhau - nếu từ một người sáng tác gọi là vế trênvế dưới, nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra (vế xuất)vế đối. Câu đối thường biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nhân dân ta có phong tục viết hoặc xin câu đối trong các dịp lễ tết để cầu hạnh phúc, may mắn.

    Câu đối

    Câu đối

    Một đôi câu đối chữ Hán:

    Bảo kiếm phong tùng ma lệ xuất
    Mai hoa hương tự khổ hàn lai

    nghĩa là:

    Hương hoa mai đến từ giá lạnh
    Kiếm sắc quý là bởi giũa mài.

  5. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  6. Tửng
    Người con trai, thằng nhỏ (từ tiếng Hán đinh, đọc giọng Quảng Đông).
  7. A nả
    Xinh đẹp (tiếng Quảng Đông).
  8. Tía
    Cha, bố (phương ngữ Nam Bộ). Từ này có gốc từ cách phát âm của người Triều Châu khi đọc chữ gia (cha).
  9. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  10. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  11. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  12. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  13. Hội Khám
    Tên một lễ hội được tổ chức vào mồng 7 tháng 4 âm lịch hằng năm tại làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhằm tôn vinh ba vị thần là Lạc Long Quân, Tri Sơn (Sơn thần) và Tri Thủy (Thủy thần). Trong lễ hội có các nghi thức rước Lạc Long Quân về đình, hội đồng Thành hoàng, tế lễ cầu mùa, đón trận mưa đầu mùa.
  14. Hội chùa Dâu
    Một lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mồng tám tháng tư âm lịch tại chùa Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, cầu cho mưa thuận gió hòa.

    Hội Dâu

    Hội Dâu

  15. Hội Gióng
    Một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội gồm có lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa, hoạt cảnh đánh giặc Ân...

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  16. Theo kinh nghiệm của nhân dân, vào những ngày đầu tháng Tư, bầu trời thường có mây đen và sau đó là những cơn mưa đầu hè, do đó mà có câu “Râm râm hội Khám, u ám hội Dâu.” Còn hội Gióng là nơi quy tụ nhiều khách thập phương đến xem diễn lại sự tích "Thánh Gióng đánh giặc Ân." Trẻ con trong làng và quanh vùng cũng bắt chước diễn trận, từ đó mới sinh ra cái cảnh "vỡ đầu hội Gióng."
  17. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  18. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  19. Định Tường
    Tên một tỉnh cũ của vùng Tây Nam Bộ dưới thời Nguyễn, trước đây thuộc nước Chân Lạp, nay thuộc địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp. Trong hòa ước Nhâm Tuất (1862), ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường bị triều đình Huế nhường cho Pháp.
  20. Sở mộ
    Yêu mến, yêu thích. Từ ngày bắt nguồn từ chữ Hán mộ 慕 nghĩa là mến, quyến luyến không rời (theo từ điển Thiều Chửu).
  21. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  22. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  23. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  24. Chữ cửu 久 (lâu dài) nhìn giống như hai chữ nhân 人(người) cưỡi lên nhau.
  25. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  26. Rõ ràng, sáng sủa (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  27. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  28. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  29. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  30. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  31. Xuất gia
    Rời khỏi gia đình (từ Hán Việt).
  32. Đây là một kinh nghiệm dành cho thợ may khi may quần áo: vì trẻ em mau lớn nên khi may phải may rộng hơn (may ra). Ngược lại người già thì ngày càng ốm đi, nên khi may nên may chật hơn một chút.
  33. Tra
    Già (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Kẻ tra nghĩa là người già.