Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hổi
    Khô, héo. Còn có nghĩa là hư, hỏng, thất bại (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Chứa thổ, đổ hồ
    Kiếm ăn bằng những nghề không lương thiện (chứa thổ: chứa gái điếm, đổ hồ: chủ sòng bạc).
  3. Giường lèo
    Loại giường bằng gỗ quý, chạm trổ công phu, có nguồn gốc từ Lào. Trước đây loại giường này thường được các nhà quyền quý đặt thợ người Lào làm, nên gọi là giường lèo (đọc trại chữ Lào). Sau này thợ của ta cũng làm được loại giường này, nhưng vẫn giữ tên giường lèo.
  4. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  5. Gà và chó có tất cả 36 con. Nếu đếm chân gà lẫn chân chó, thì có tất cả là 100 cái.
  6. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  7. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  8. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  9. Gia thất
    Vợ chồng. Theo Thiều Chửu: Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. Vợ chồng lấy nhau vì thế gọi là “thành gia thất.”
  10. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  11. Chợ Chùa
    Tên một cái chợ nay thuộc trị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
  12. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  13. Làng Gành
    Một làng biển gần cửa Đại, nay thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An.
  14. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  15. Sông Dinh
    Một nhánh nhỏ của sông Đà Rằng, chảy quanh thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Hiện sông đã bị bồi lấp. Chú ý: phân biệt với một số con sông ở các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tên là sông Dinh.
  16. Trừng
    Nổi lên, dâng lên (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  17. Nước rặc
    Nước thủy triều khi rút xuống.
  18. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  19. Cẩm Lệ
    Tên một làng cổ từ thế kỉ 16, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với "đặc sản" thuốc lá Cẩm Lệ.

    Thuốc lá Cẩm Lệ

    Thuốc lá Cẩm Lệ

  20. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  21. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  22. Tông chi
    Các chi trong một họ nói chung.
  23. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  24. Rau cần khi mọc thì rủ xuống, rau muống khi mọc thì vươn thẳng lên.
  25. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  26. Sãi
    Người đàn ông làm nghề giữ chùa.
  27. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  28. Trổ cờ
    Ra hoa.

    Cây bắp trổ cờ

    Cây bắp trổ cờ