Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Canh nông
    Làm ruộng (từ Hán Việt).
  2. Năn
    Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.

    Củ năn (năng)

    Củ năn (năng)

  3. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  4. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  5. Có bản chép: Gởi.
  6. Chà Và
    Việt hóa từ âm chữ Java, chỉ đảo Java ở Indonesia. Nhưng do từ xưa, người Việt chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía nam nên dùng từ "người Chà Và" để gọi chung những người có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia di cư đến Việt Nam.
  7. Thạch đen
    Còn gọi là sương sáo hay xưng xáo, một loại cây thân thảo, lá mọc đối, nguyên, dày, mép có răng cưa. Thân cây và lá cây được chế biến thành thạch sương sa, một món ăn rất phổ biến và được ưa chuộng trong mùa hè. Cái tên sương sáo là đọc trại từ chữ xiên xáo, cách phát âm chữ tiên thảo (cỏ tiên) của người Triều Châu.

    Cây sương sáo

    Cây sương sáo

    Thạch sương sáo

    Thạch sương sáo

  8. Sương sa
    Tên một loại thạch trắng được chế biến từ một số loại rong biển, tảo biển không độc. Sương sa hay được dùng chung với nước đường và nước cốt dừa để làm món giải khát, rất được ưa chuộng trong mùa hè.

    Sương sa cacao-dừa

    Sương sa cacao-dừa

  9. Trám
    Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.

    Trái cà na

    Trái trám

  10. Cánh chỉ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cánh chỉ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Thèo lèo
    Một loại kẹo được ăn kèm khi uống trà. Người Trung Quốc gọi các thứ kẹo dùng kèm khi uống trà là 茶料, âm Hán Việt là trà liệu. Người Việt Nam nghe Hoa kiều Triều Châu phát âm nghe như tề liếu/tề léo nên phiên thành thèo lèo.

    Kẹo thèo lèo

    Kẹo thèo lèo

  12. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Cá he
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, họ hàng với cá mè. Cá he có đuôi và vây màu đỏ, vẩy bạc. Thịt cá he ngon, béo nhưng có nhiều xương. Xem thêm: Câu cá he.

    Cá he

    Cá he

  14. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  15. Có bản chép: chuyện.
  16. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  17. Lãnh nợ
    Trả nợ hoặc vay mượn giúp người khác. Có bản chép: gánh nợ, giải nợ.
  18. Gác cu
    Bẫy chim cu bằng lồng bẫy có sử dụng chim mồi.

    Bẫy cu bằng lồng có chim mồi

    Bẫy cu bằng lồng có chim mồi

  19. Cầm chầu
    Trong các buổi hát ả đào, hát ca trù, hát bội thời xưa, có một người chuyên đánh tiếng trống khen hoặc chê sau mỗi câu hát, gọi là người cầm chầu. Người cầm chầu phải là người rất am hiểu về nghệ thuật hát.

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

  20. Gọi làm mai là ngu vì khi cuộc hôn nhân không được hạnh phúc, người mai mối thường bị "đổ thừa."
    Gọi lãnh nợ là ngu vì nếu người vay quỵt nợ thì người lãnh nợ phải trả nợ thay.
    Gọi gác cu là ngu vì đây là một công việc vất vả cực nhọc, tốn rất nhiều thời gian, lại nguy hiểm, dễ bị côn trùng và rắn độc cắn.
    Gọi cầm chầu là ngu vì việc hay dở là tùy vào cảm thụ của mỗi người, rất khó làm vừa lòng tất cả.
  21. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  22. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  23. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  24. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  25. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  26. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  27. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  28. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  30. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  31. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  32. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  33. Vùng Trà Bồng, Quảng Ngãi nổi tiếng với nghề trồng quế từ xưa đến nay. Nghe bài hát Hương quế Trà Bồng.
  34. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  35. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  36. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  37. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  38. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  39. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  40. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  41. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  42. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  43. Cháy háp
    Cháy một phần.
  44. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  45. Kênh Vĩnh Tế
    Một con kênh đào nằm song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Kênh được vua Gia Long cho bắt đầu đào với tháng 9 âm lịch năm 1819 đến tháng 5 âm lịch năm 1824 mới xong, qua hai lần tạm ngừng rồi tiếp tục đào. Đại Nam nhất thống chí chép: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

  46. Hà Tiên
    Địa danh nay là thị xã phía tây bắc tỉnh Kiên Giang, giáp với Campuchia. Tên gọi Hà Tiên bắt nguồn từ Tà Ten, cách người Khmer gọi tên con sông chảy ngang vùng đất này.

    Hà Tiên về đêm

    Hà Tiên về đêm

  47. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Rậm.
  48. Nhác
    Lười biếng.
  49. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  50. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  51. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  52. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  53. Quần ngư tranh thực
    Đàn cá tranh ăn (chữ Hán). Chỉ những chốn loạn lạc, nơi con người tranh giành nhau về miếng ăn, địa vị.

    Hồi năm nọ, một thầy địa lý qua đây có bảo đất làng này vào cái thế “quần ngư tranh thực”, vì thế mà bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi. Mồi thì ngon đấy, nhưng mà năm bè bảy mối, bè nào cũng muốn ăn. Ngoài mặt tử tế với nhau, nhưng thật ra trong bụng lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ.
    (Chí Phèo - Nam Cao)

  54. Vàng cốm
    Vàng trong tự nhiên, ở dạng mảnh vụn, dạng hạt hoặc vẩy nhỏ, lẫn với các khoáng vật khác.

     

    Vàng cốm

    Vàng cốm

  55. Nếu (từ cổ).

    Mai sau dù có bao giờ,
    Thắp lò hương ấy so tơ phím này.
    Trông ra ngọn cỏ lá cây,
    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

    (Truyện Kiều)

  56. Đông Loan
    Tên một làng nay thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng được mệnh danh là "làng nói tức."