Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cạnh ngôn
    Tranh nhau mà nói (từ Hán Việt).
  2. Bán bò mua cuốc
    Ngớ ngẩn, không biết tính toán, bán đi một tài sản lớn để mua một vật dụng nhỏ.
  3. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  4. Họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc
    Hai dòng họ ở làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), họ Hồ có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan (Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Di...), trong khi họ Đoàn có anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng loạn "giặc chày vôi" dưới thời vua Tự Đức (xem thêm).
  5. Suối Tiên
    Còn gọi là suối Bà Nên, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 17 cây số, bắt nguồn từ núi Hòn Bà, chảy quanh co trong các thung lũng, tạo thành nhiều hồ nhỏ rồi đổ ra đồng bằng huyện Diên Khánh.

    Suối Tiên

    Suối Tiên

  6. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  7. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  8. Rùa đội bia
    Theo quan niệm của người Việt, rùa là loài có tuổi thọ cao và thân hình vững chắc nên biểu thị cho sự trường tồn. Rùa còn là loài không ăn nhiều, nhịn đói tốt nên được coi là thanh cao, thoát tục. Vì lẽ đó, rùa thường được tạc thành tượng đá để đội các văn bia, trên khắc tên các danh nhân văn hóa hoặc các văn bản có giá trị văn hóa - lịch sử.

    Rùa đội bia ở Văn Miếu

    Rùa đội bia ở Văn Miếu

  9. Thung bung
    Loại cây dại trồng ở hàng rào, quả nhỏ, chín rất sai.
  10. Dìa
    Về (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  11. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  12. Sông Thao
    Tên gọi của sông Hồng, đoạn từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đến "ngã ba sông" ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô và sông Đà đổ vào sông Hồng. Sông Thao gắn liền với những chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
  13. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  14. Giằng cối xay
    Cái cần dài một đầu có một khúc gỗ thọc vào lỗ tai cối, một đầu có thanh gỗ ngang buộc dính vào hai sợi dây từ cành cây hay trên sườn nhà thả thòng xuống. Khi xay bột hay xay lúa, người ta kéo giằng xay để cối quay tròn. Một số địa phương phát âm thành "giàng xay" hay "chàng xay".

    Xay lúa

    Xay lúa

  15. Hiếu
    Lòng biết ơn, phụng dưỡng cha mẹ (từ Hán Việt).
  16. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  17. Bắt cá hai tay
    Theo học giả An Chi, cá ở đây nghĩa là "cá độ" (thay vì "con cá" theo cách hiểu phổ biến). Thành ngữ này vì vậy có nghĩa gốc chỉ việc bắt cả hai bên khi cá độ.
  18. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  19. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  20. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  21. Kíp miệng, chầy chân
    Miệng nói thì nhanh nhảu mà khi cần động tay động chân làm thì chậm chạp, dùng dằng.