Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  2. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  3. Lưng đưng
    Lửng lơ, nửa này nửa nọ (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  4. Nừng
    Đồ đựng đan bằng cật tre, vuông vức, mỗi bề chừng hai gang tay, cao chừng ba gang tay, trên có nắp đậy cũng bằng tre đan. Dưới đáy nừng có hai thanh tre dầy, bắt chéo bốn góc để bảo vệ nừng khỏi bị mòn khi lôi tới, kéo lui hàng ngày. Nừng được sơn bóng bằng dầu rái chống ướt.
  5. Mồng đốc
    Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
  6. Văn tự
    Văn bản, giấy tờ.
  7. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  8. Hàm Luông
    Một trong các nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km, chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi... Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

  9. Mèo
    Phương ngữ Nam Bộ lấy ý từ thành ngữ "mèo mả gà đồng" hoặc "mèo đàng chó điếm," chỉ nhân tình vụng trộm. Trong một số ngữ cảnh, mèo cũng chỉ người được được hứa hẹn là sẽ cưới hỏi sau này.
  10. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  11. Ốc xà cừ
    Một loại ốc biển lớn, vỏ dày có nhiều hoa văn đẹp mắt. Vỏ ốc xà cừ thường được dùng để khảm vào các đồ vật bằng gỗ, có tác dụng trang trí, gọi là cẩn xà cừ.

    Ốc xà cừ

    Ốc xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

  12. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  13. Sông Ngâu
    Tên phụ lưu bên trái của sông Hồng ở tỉnh Lào Cai.
  14. Trà mạn hảo
    Một loại trà xanh ướp nổi tiếng ở Bắc Bộ hồi thế kỉ 19, 20. Trà mạn là tiếng gọi chung các loại trà xanh (lục trà) ở miền ngược, nên còn gọi là trà mạn ngược (đặc biệt ở vùng Hà Giang-Lai Châu-Yên Bái). Trà thường được chọn những búp non, lá trà bánh tẻ rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi đóng bánh, phơi khô, trà được vào chum, trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3–4 năm cho trà phong hóa bớt chất cát hết mùi ngái, có độ xốp mới đem ra dùng.

    Mạn Hảo cũng là một địa danh vùng Vân Nam, ngày xưa người ta lên miền ngược Hà Giang hay lên tận Mạn Hảo mua trà về đều gọi chung là trà mạn hay trà mạn hảo.

    "... Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ."
    (Những chiếc ấm đất - Nguyễn Tuân)

  15. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Núi Tô Châu
    Một dãy núi nằm ở phía tây của vũng Đông Hồ, Hà Tiên, bao gồm hai ngọn núi là Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu, nay thuộc phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tiểu Tô Châu nằm sát bờ Đông Hồ, trên có nhiều chùa chiền, tịnh xá. Đại Tô Châu nằm về phía đông nam của Tiểu Tô Châu, trên núi có nền đá xưa từ thời họ Mạc

    Núi Tô Châu

    Núi Tô Châu

  17. Có bản chép: "Ngó qua bên núi Tô Châu".
  18. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  19. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  20. Mống bạc sạch đồng
    Cầu vồng (mống) màu trắng là điềm báo mưa to, lũ lụt.
  21. Chuột gặm chân mèo
    Việc làm liều lĩnh hoặc dại dột.
  22. Câu này lấy từ lời than của thầy Tử Lộ:

    Mộc dục tịnh nhi phong bất đình
    Tử dục dưỡng nhi thân bất tại

    Nghĩa là:
    Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
    Con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống.

  23. Mễ Sở
    Tên một tổng trước 1945, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây nổi tiếng với truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, hàng năm đều làm lễ lớn vào tháng hai âm lịch.

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

    Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung