Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhà ngang
    Gian nhà phụ, đối với nhà chính là nơi có bàn thờ hoặc nơi tiếp khách. Gọi là nhà ngang vì gian nhà nay được xây vuông góc với nhà chính.
  2. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  3. Suối Đục
    Tên chữ là Trược Tuyền, một con suối ở Bình Định, phát nguyên từ huyện Phù Cát rồi chảy vào sông Gò Găng. Theo Quách Tấn trong Nước non Bình Định: Nước suối hơi ngà ngà như nước vo gạo. Do đó mà mệnh danh. Suối chảy giữa khoảng đồng trống gò hoang, phong cảnh không có chi lạ. Duy tại Thuận Hạnh, gần đường cái đi, có hai bụi tre lâu đời mọc ở hai bên bờ suối phía Nam phía Bắc. Hai ngọn giao liên, hợp thành một cái nhà tạm thiên nhiên, bóng lồng nước mát. Dưới gốc tre phía Bắc, nổi lên một ụ gò mối vừa to vừa cao. Bò trâu qua lại hằng ngày, cạ lưng vào hoặc lấy sừng hút, năm này sang năm nọ, chân gò mối bị lõm sâu vào thành một mái hiên.

    Đã có "nhà tạm tre" lại có "mái hiên gò mối" đủ che mưa tủ nắng, nên khách bộ hành gặp lúc mưa to nắng dữ, thường ghé vào đụt cho qua cơn. Bởi vậy suối cũng có tên nữa là Suối Đục.

  4. Đụt
    Trú mưa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  6. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  7. Cây rơm
    Sau mỗi vụ lúa, nhân dân ta thường phơi khô thân lúa thành rơm, đánh thành đống cao đặt ở trước hoặc sau nhà, gọi là cây rơm. Rơm khô có thể dùng làm chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày, hoặc làm thức ăn, lót ấm cho gia súc trong mùa đông. Cây rơm càng to, cao thì vụ mùa càng bội thu.

    Cây rơm

    Cây rơm

  8. Bươi
    Bới (phương ngữ Trung Bộ).
  9. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  10. Gấy
    Gái (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Cũng hiểu là vợ.
  11. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  12. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  13. Theo GS Nguyễn Hữu Quang thì câu ca dao này nói về việc vua Lý Thái Tông tha tội phản nghịch cho Nùng Trí Cao, lại gia phong cho tước Thái Bảo, nhưng đến năm 1048 và 1052 Trí Cao lại nổi dậy xưng đế.
  14. Chum
    Đồ đựng bằng sành, bụng tròn, thường dùng để chứa mắm, nước hoặc gạo.

    Chum

    Chum

  15. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  16. Hàm Rồng
    Tên một ngọn núi nằm trong dãy Ngũ Hoa Phong nằm bên bờ sông Mã, có dáng như đầu rồng. Tên Hàm Rồng cũng được đặt cho một cây cầu ở khu vực này, đồng thời là tên của một phường thuộc thành phố Thanh Hóa hiện nay.
  17. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  18. Phong
    Dân gian gọi là cùi, phung, đơn phong, một loại bệnh khiến cho da thịt người bệnh phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt, lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể. Sau đó, các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay ngón chân rụng dần. Trong xã hội Việt Nam, người bị nhiễm bệnh phong cùi trước đây thường chịu thành kiến sai lầm, bị hắt hủi, xa lánh, thậm chí ngược đãi (thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt).
  19. Sông Bùng
    Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    Sông Bùng

    Vẻ đẹp sông Bùng

  20. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  21. Tín chủ
    Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
  22. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.