Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giò
    Món ăn làm từ thịt gia súc hoặc gia cầm giã nhuyễn, gói chặt bằng lá chuối và lạt giang rồi luộc chín. Giò là một món ăn phổ biến trong ẩm thực nước ta, với nhiều biến thể như giò lụa (chả lụa), giò thủ, giò bò...

    Giò lụa (chả lụa)

    Giò lụa (chả lụa)

  2. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  3. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  4. Làm chay
    Làm lễ cúng để cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát, theo quan niệm dân gian.
  5. Văn Lang
    Tên một làng nay thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Người dân Văn Lang nổi tiếng với tài nói khoác, sáng tác và kể chuyện cười.
  6. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  7. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  8. Nhãn tiền
    Nhãn là con mắt. Tiền nghĩa là "trước." Nhãn tiền dịch nghĩa là "trước mắt," thấy ngay nhãn tiền nghĩa là xảy ra ngay lập tức.
  9. Ruột ngựa, phổi bò
    Thẳng như ruột ngựahổng như phổi bò, chỉ người bộc trực, thẳng thắn, không biết giấu diếm.
  10. Cụng
    Chạm vào nhau (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  12. Thiệu Hóa
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Thanh Hóa, có huyện lị là thị trấn Vạn Hà.
  13. Sông Ngâu
    Tên phụ lưu bên trái của sông Hồng ở tỉnh Lào Cai.
  14. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  15. Sông Đào
    Một nhánh sông nhân tạo lấy nước từ sông Lam, nằm trên địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Con sông này nối thượng nguồn và hạ nguồn của sông Lam, đọan chảy hình vòng ôm lấy các xã Bắc Sơn, Đặng Sơn và một phần xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, và là đường đi tắt của thuyền, bè lưu thông trên sông Lam.
  16. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  17. Theo Phạm Duy thì có lẽ câu ca dao này chỉ mang ý nghĩa văn học: "Ai đã sáng tác ra câu ca dao vớ vẩn này? Thực ra, chẳng có con sông nào đổ vào sông Thương cả! Sông phát nguyên từ con suối nhỏ ở Bản Thi thuộc Lạng Sơn, chạy theo dãy núi Cai Kinh rồi trước khi đổ vào Bắc Giang, nước chảy lúc mạnh lúc nhẹ giữa hai bờ đá, con sông không dùng trong việc giao thông được. Chỉ khi tới Bố Hạ thì sông Thương mới rộng ra, thuyền bè mới đi lại được. Hai bên bờ sông có đắp đê và con đê dài là con đường bộ của những xe bò, xe ngựa, xe đạp... liên lạc từ làng này qua làng nọ..." (Hồi Ký - chương 16).
  18. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  19. Dòm
    Nhìn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  21. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  22. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  23. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  24. Bộ hành
    Người đi đường (từ Hán Việt). Cũng gọi là khách bộ hành.
  25. Chân trời góc biển
    Từ thành ngữ Hán Việt Thiên nhai hải giác, chỉ những nơi xa xôi.
  26. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  27. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  28. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  29. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  30. Hồng trần
    Bụi hồng (từ cũ, văn chương). Tự điển Thiều Chửu giảng: Sắc hồng là mầu đỏ tươi hơn các sắc đỏ khác, cho nên gọi các kẻ được yêu dấu vẻ vang là hồng. Chốn bụi hồng là chỉ các nơi đô hội.

    Đùng đùng gió giật mây vần
    Một xe trong cõi hồng trần như bay

    (Truyện Kiều)

  31. Núi Bồng Lai
    Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo".

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo"

  32. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  33. Con đào
    Cách người Nam Bộ trước đây gọi người con gái.
  34. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  35. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  36. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  37. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  38. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  39. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  40. Bách hoa
    Trăm hoa (từ Hán Việt).
  41. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  42. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên