Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thao
    Loại vải có sợ thô và to, mặt vải còn chưa sạch gút (mối vải).
  2. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  4. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  5. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  6. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Nường
    Nàng (từ cũ).
  8. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  9. Bấy
    Cua mới lột xác, vỏ còn mềm (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  10. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  11. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  12. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  13. Xáo xác
    Xào xạc, lao xao.
  14. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  15. Nén
    Còn gọi là hành tăm, một loại cây thuộc họ hành tỏi, thân nhỏ, mọc thành bụi, củ màu trắng có vỏ bao bọc. Lá và củ nén có tác dụng giải cảm tốt.

    Cây và củ nén

    Cây và củ nén

  16. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  17. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  18. Quạt nồng ấp lạnh
    Do chữ Đông ôn hạ sảnh: Quạt khi trời mát, đắp chiếu chăn ấm khi trời rét lạnh, nói đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ. Tích quạt nồng ấp lạnh lấy từ sách Nhị thập tứ hiếu của Quách Cự Nghiệp đời nhà Nguyên, Trung Quốc: Ðời Hậu Hán có đứa trẻ lên chín tên là Hoàng Hương. Mẹ mất sớm, Hoàng Hương ở với cha. Vào muà hạ, thời tiết về đêm nóng nực oi bức, Hoàng Hương thường xuyên quạt màn chiếu, chăn đệm cho thoáng mát trước khi cha ngủ. Muà đông, tiết trời lạnh lẽo, đêm đêm trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương vào giường cha nằm lăn qua trở lại rất lâu, để mền chiếu ấm hơi người cho cha được ngon giấc.

    Xót người tựa cửa hôm mai
    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
    (Truyện Kiều)

  19. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  20. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  21. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
    Tinh thông một nghề thì có thể sống đầy đủ, sung sướng cả đời (thành ngữ Hán Việt).
  22. Thợ thuyền
    Công nhân (từ cũ).
  23. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  25. Đầm Môn
    Tên một thôn nay thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Theo truyền thuyết địa phương, Cao Biền cưỡi diều giấy đi yểm long mạch nước Nam, đến Phú Yên thì bị dân chúng bắn rơi xuống đất. Y định lội bộ về nước, nhưng tuổi cao sức yếu, chết tại đây.
  26. Đòn
    Vật thấp được đẽo bằng gỗ hoặc bằng tre, dùng để ngồi. Đòn thường thấy ở làng quê ngày trước.