Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  2. Ba Đình
    Vùng đất gồm ba làng Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Có tên gọi như thế vì ở mỗi làng có một cái đình, ở làng này có thể trông thấy mái đình của hai làng kia. Nơi đây từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa do Đinh Công Tráng làm thủ lĩnh vào cuối thế kỉ 19. Ba Đình có địa thế phòng thủ rất tốt, chung quanh có lũy tre dày phủ kín, nằm giữa một cánh đồng bao la trũng nước, từ đây có thể khống chế được quốc lộ 1, nơi yết hầu của giặc Pháp từ Bắc vào Trung.

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

    Bia di tích căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình

  3. Tày
    Bằng (từ cổ).
  4. Trượng
    Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
  5. Ba đào
    Sóng gió, chỉ sự nguy hiểm, bất trắc (từ Hán Việt).
  6. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  7. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  8. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  10. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  11. Xống
    Váy (từ cổ).
  12. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  13. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  14. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  15. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  16. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  17. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  18. Sợi mắc
    Sợi tơ chính, được mắc dọc theo khung cửi dệt lụa. Khi dệt, tơ mành được luồn ngang kéo bằng con thoi giữa hai hàng sợi mắc. Vì thường bị kéo căng, sợi mắc phải chắc chắn hơn và thường to hơn sợi mành.
  19. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  20. Nốt son
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nốt son, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  21. Nốt cục
    Nốt rối thường có trên những sợi tơ tằm to, sần. Những sợi tơ có nốt cục không thể dùng để dệt lụa, mà lại dành để dệt quai thao cho nón.
  22. Triều Khúc
    Còn có tên là Cầu Đơ, Kẻ Đơ, hay Đơ Thao, là một ngôi làng cổ nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kẻ Đơ nổi tiếng với nghề dệt quai thao cho nón từ lâu đời. Trong làng có hai ngôi đình thờ Phùng Hưng, được dựng từ thế kỷ 17 với quy mô kiến trúc khá bề thế. Theo thần phả và truyền thuyết thì vào năm 791, trên đường tiến quân vào bao vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), dẹp bỏ ách đô hộ của nhà Đường do Cao Chính Bình cầm đầu, Phùng Hưng đã chọn Triều Khúc làm đại bản doanh, tức khu vực đình hiện nay.

    Làng Triều Khúc

    Làng Triều Khúc

  23. Trấn thủ
    Đóng quân để gìn giữ bảo vệ.
  24. Lưu đồn
    Đồn trại ở miền ngược, phải để lính lại phòng giữ. Có ý kiến cho rằng Lưu Đồn là địa danh. Đạo Lưu Đồn là một đơn vị hành chính quân sự thời các chúa Nguyễn, nay là thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Vào thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh, Lưu Đồn là nơi giáp giới giữa Trịnh và Nguyễn, thường xuyên xảy ra giao chiến. Có ý kiến khác cho rằng Lưu Đồn là thôn Lưu Đồn, thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nhưng ý kiến này không có cơ sở.
  25. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  26. Điếm canh
    Nhà nhỏ thường dựng ở đầu làng hay trên đê, dùng làm nơi canh gác.

    Điếm canh đầu làng (Ảnh: Võ An Ninh)

    Điếm canh đầu làng (Ảnh: Võ An Ninh)

  27. Dồn
    Dồn dập, không ngơi.
  28. Việc quan
    Việc hành chính nhà nước.
  29. Đẵn
    Đốn, chặt.
  30. Ngàn
    Rừng rậm.
  31. Hữu thân hữu khổ
    Có thân có khổ - làm người ai cũng có nỗi khổ của mình.
  32. Có bản chép: Hữu tân hữu khổ (có cay có đắng).
  33. Phàn nàn
    Kể lể nỗi buồn bực.
  34. Mai
    Cây cùng loại với tre, gióng dài, thành dày, đốt lặn, lá rất to, dùng làm nhà, làm ống đựng nước...

    Gốc mai và măng mai.

    Gốc mai và măng mai.

  35. Giang
    Một loại tre thân nhỏ vách dày, thân khá cao, mọc thành cụm, lá xanh đậm. Cũng ghi là dang ở một số văn bản.

    Rừng dang

    Rừng giang

  36. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  37. Xửng mưa
    Bớt mưa, sắp tạnh mưa (phương ngữ Nam Trung Bộ).
  38. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  39. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  40. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  41. Bãi Bổn
    Một khu vực biển thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đồng thời nay là tên một ấp thuộc xã Hàm Ninh.
  42. Hải sâm
    Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.

    Hải sâm

    Hải sâm

  43. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều