Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Ốc xà cừ
    Một loại ốc biển lớn, vỏ dày có nhiều hoa văn đẹp mắt. Vỏ ốc xà cừ thường được dùng để khảm vào các đồ vật bằng gỗ, có tác dụng trang trí, gọi là cẩn xà cừ.

    Ốc xà cừ

    Ốc xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

  3. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  4. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Cẩm Lệ
    Tên một làng cổ từ thế kỉ 16, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với "đặc sản" thuốc lá Cẩm Lệ.

    Thuốc lá Cẩm Lệ

    Thuốc lá Cẩm Lệ

  6. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  7. Thành ngữ Hán Việt, chỉ những người hay nghi kị, thấy cành cây cong thì nghĩ là rắn, thấy tảng đá lại tưởng là cọp.
  8. Cao tổ
    Gọi tắt là ông cao, cũng gọi là ông sơ, chỉ cha của ông cố về bên nội (từ Hán Việt).
  9. Tằng tổ
    Nói tắt là ông tằng, chỉ ông cố về bên nội (từ Hán Việt).
  10. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  12. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  13. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  14. Nhà ngói, cây mít
    Nhà lợp ngói thì bền, ít phải sửa chữa, cây mít thì trồng một lần được ăn quả nhiều lần. Chỉ nhà giàu có, có cơ sở vững chắc.
  15. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
  16. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  17. Ở nông thôn thời xưa, người ở làm mùa mướn thường là sáu tháng.
  18. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  19. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  20. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  21. Sa Đéc
    Địa danh nay là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt." Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer. Từ những ngày mới thành lập, vùng đất Sa Đéc đã nổi tiếng hưng thịnh.

    Làng hoa Sa Đéc

    Làng hoa Sa Đéc

  22. Bình Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Bình Thành cũng là tên một xã thuộc huyện Thanh Bình, cùng tỉnh Đồng Tháp.
  23. Môn đương hộ đối
    Cổng và cửa nhà tương xứng (thành ngữ Hán Việt). Chỉ sự ngang bằng về nhà cửa, gia thế, địa vị của hai bên dâu rể. Cũng nói môn đăng hộ đối.
  24. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  25. Thắt cổ bồng
    Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
  26. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  27. Đại hà
    Sông lớn (từ Hán Việt).
  28. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  29. Tứ bề
    Bốn bề, xung quanh.
  30. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  31. Dân gian nói cây bần toàn giống đực là bởi loài cây này luôn có một phần của rễ mọc ngoi lên mặt đất để hút dưỡng khí, dân gian gọi là "cặc bần." Cũng theo đó, dân gian vùng đồng bằng sông Cửu Long còn truyền tụng câu đối:

    Nước chảy cặc bần run bây bẩy
    Gió đưa dái mít giãy tê tê

    Câu đố còn có ý chơi chữ, "bần" cũng có nghĩa là nghèo túng.

  32. Áo song khai
    Một loại áo rất phổ biến trong thời nhà Nguyễn. Áo trơn không thêu, tay chẽn, vạt trước xẻ từ thân giữa trở xuống, khi mặc phải thả thắt lưng xuống chính giữa để che phần dưới.
  33. Quần lá hẹ
    Quần có đường viền rất nhỏ (như lá hẹ).