Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bình hương
    Loại lọ bằng gỗ, sành hoặc sứ, thường có hoa văn, để cắm và thắp nhang trên bàn thờ hoặc những chỗ thờ cúng khác. Tùy theo hình dạng mà bình hương cũng gọi là bát hương hoặc nồi hương.

    Bát hương và cặp lọ trang trí

    Bát hương và cặp lọ trang trí

  2. Đô đốc
    Tên một chức quan chuyên trách về quân sự trong thời phong kiến. Tùy theo từng thời kì mà chức đô đốc có những quyền hạn khác nhau, nhưng đều là cấp cao (ví dụ đứng đầu bên võ).
  3. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  4. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  5. Canh trì
    Nuôi cá (trì 池: cái ao).
  6. Canh viên
    Làm vườn (viên 園: vườn).
  7. Canh điền
    Làm ruộng (điền 田: ruộng).
  8. Bảo hoàng hơn vua
    Ủng hộ, bảo vệ cái gì đó một cách mù quáng (vua là người muốn bảo vệ hoàng quyền nhất, nhưng ở đây lại muốn bảo vệ hoàng quyền hơn cả vua).
  9. Suy
    Suy nghĩ, tính toán cặn kẽ.
  10. Cầu Vĩ
    Tên mới là cầu Quang Phú, một cây cầu nằm trên đoạn Quốc lộ 53, thuộc xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Cầu Vĩ đồng thời cũng là tên thường gọi của khu vực này.
  11. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  12. Ngầy ngà
    Rầy rà, phiền nhiễu.
  13. Dức
    Mắng nhiếc. Còn nói dức bẩn (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  15. Mấu
    Phần trồi lên trên bề mặt của vật thành khối gồ nhỏ.
  16. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  17. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  18. Thợ ngạch
    Ăn trộm. Gọi vậy vì ăn trộm hay đào tường, khoét ngạch.
  19. Thợ rào
    Thợ rèn.
  20. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).