Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  2. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  3. Sêu
    (Nhà trai) đưa lễ vật đến biếu nhà gái trong những dịp lễ tết.
  4. Được mùa lúa úa mùa cau
    Những năm khô hạn cau thường sai quả (cau là loại cây chịu hạn), nhưng lại không phù hợp với sự sinh trưởng và phát dục của cây lúa nước. Vì vậy những năm được mùa lúa thì thường mất mùa cau, và ngược lại.
  5. Kỷ trà
    Bàn nhỏ bằng gỗ, thấp, thường được chạm trổ tinh vi. Người xưa khi uống trà thường đặt tách và ấm trà lên trên kỷ.

    Bộ kỷ trà

    Bộ kỷ trà

  6. Có bản chép: Man di.
  7. Sinh đồ
    Một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, được xác định trong kỳ thi Hương (là kỳ thi sơ khởi nhất để triều đình tuyển chọn người tài; người nào đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự kỳ thi cao hơn là thi Hội, thi Đình).
  8. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  9. Đông Ba
    Một địa danh ở Huế, vốn là tên dân gian của cửa Chính Đông, kinh thành Huế. Địa danh này gắn liền với chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất của Huế, trước đây tên là Quy Giả thị ("chợ của những người trở về," đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn). Đến năm 1887 vua Đồng Khánh cho xây lại gồm có “đình chợ” và “quán chợ” lấy tên là Đông Ba. Đến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Đông Ba về vị trí bây giờ, đình chợ cũ sửa lại làm thành trường Pháp Việt Đông Ba.

    Địa danh Đông Ba thật ra tên cũ là Đông Hoa, nhưng do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa dưới thời Nguyễn mà đổi tên.

    Chợ Đông Ba ngày trước

    Chợ Đông Ba ngày trước

  10. Đập Đá
    Tên một con đập nổi tiếng của Huế, bắt ngang qua một nhánh sông Hương, ngăn cho dòng nước từ thượng lưu không chảy về phía hạ lưu và ngăn nước mặn từ biển Thuận An chảy vào các cánh đồng lúa.

    Đập Đá

    Đập Đá

  11. Vĩ Dạ
    Một địa danh thuộc Huế. Tên gốc của làng là Vĩ Dã, từ cách phát âm của người dân Huế mà dần trở thành Vĩ Dạ. Làng Vĩ Dạ nằm bên bờ sông Hương, phong cảnh thơ mộng, đã đi vào thơ ca nhạc họa, nổi tiếng nhất có lẽ là bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử:

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Toàn cảnh thôn Vĩ Dạ ngày nay

    Toàn cảnh thôn Vĩ Dạ ngày nay

  12. Ngã ba Sình
    Ngã ba sông nơi gặp nhau giữa sông Hương và sông Bồ trước khi xuôi về phá Tam Giang đổ ra biển. Đây cũng là nơi sinh tụ của nhiều làng nghề như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc. Video về Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

  13. Có bản chép: củ lang.
  14. Đồng Phó
    Một địa danh nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  15. Hà Nhung
    Một làng thuộc huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
  16. Gùi
    Đồ đan bằng tre hoặc mây, có hai quai để vác trên vai (động tác vác gùi cũng gọi là gùi, ví dụ gùi thóc gạo). Gùi rất phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là Tây Nguyên.

    Gùi bắp

    Gùi bắp

  17. Suối Từ Bi
    Một dòng suối ở xóm Tiên An, ấp Tiên Thuận, xã Bình Giang, quận Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì hai bên bờ suối mọc rất nhiều cây từ bi.
  18. Theo Nước non Bình Định của Quách Tấn thì câu ca là biểu tượng mối bất hòa của Đại tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng với các sắc tộc thiểu số quanh vùng. Tương truyền sau khi bị bắt cùng vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân ở Nghệ An, Võ Văn Dũng trốn thoát được về quê hương, đem hai con của Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu là Văn Đẩu lẩn tránh trên vùng núi Đồng Phó, Vĩnh Thạnh, tại các làng người thiểu số trước từng hợp tác với nhà Tây Sơn. Quan hệ giữa họ với Võ Công sau không còn gắn bó nữa. Năm Minh Mạng thứ 12 - 1831, chú cháu Văn Đức bị bắt đem về Phú Xuân hành quyết, còn trơ trọi một mình, Võ Công lang thang như mây ngàn, rày đây mai đó khắp vùng thượng nguồn sông Côn...
  19. Suối Mít
    Một dòng suối thuộc thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Suối Mít phát nguyên từ miền tây xã Sơn Định chảy theo các triền núi xuống An Xuân, An Lĩnh (huyện Tuy An) rồi chảy ra sông Cái. Ngày trước hai bên bờ dân ở khá đông và chuyên trồng mít.
  20. Hòn Vung
    Một tên khác của thôn Phước Hậu, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây trồng nhiều đậu phộng.
  21. Hòn Chúa
    Tên một hòn núi cao 1310m thuộc dãy Đèo Cả, thuộc tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với Khánh Hoà.
  22. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  23. Hòn Vung
    Tên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, có tên như vậy vì nhìn giống một cái nắp vung úp. Tên "Hòn Vung" thường được phát âm sai thành Hòn Dung.
  24. Lên voi xuống chó
    Sự thay đổi địa vị, quyền lực hay số phận thất thường, lúc thấp lúc cao, lúc phát đạt lúc lụn bại.
  25. Hòn Khoai
    Một hòn đảo nằm trong cụm đảo cùng tên, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tên gọi này được giải thích theo hai cách: trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Đây là một hòn đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã. Hiện nay cụm đảo Hòn Khoai là một điểm đến du lịch có tiếng của tỉnh Cà Mau.

    Phong cảnh Hòn Khoai

    Phong cảnh Hòn Khoai

  26. Hòn Đá Bạc
    Tên một cụm gồm hai hòn đảo thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là một cụm đảo đá nhỏ nhưng có phong cảnh rất đẹp, là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng ở Cà Mau.

    Hòn Đá Bạc

    Hòn Đá Bạc

  27. Hòn Nhum
    Tên một cụm đảo nay thuộc ấp Hòn Ngang, xã Sơn Hải, Kiên Lương, gồm các đảo Nhum Ông, Nhum Bà, Nhum Tròn, Nhum Mốt, Nhum Giếng... Gọi tên các đảo này là hòn Nhum vì xưa kia trên các hòn này có rất nhiều cây nhum. Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Cây thiết tung tục gọi là cây nhum (ngoài Bắc gọi mỳ), giống như cây dừa mà có nhiều gai, thớ gỗ màu đen mà cứng bền, dùng làm cột nhà, sàn nhà, xẻ ra làm tấm khắc liễn đối rất tốt, lại dùng làm đồn lũy vì có gai nhọn và cứng.” Các đảo Hòn Nhum cùng với những đảo lân cận như Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Hòn Dừa... được xem là "Hạ Long của miền Nam."

    Cụm đảo Hòn Nhum

    Cụm đảo Hòn Nhum

  28. Tiều phu
    Người hái củi (chữ Hán tiều có nghĩa là củi).
  29. Mỉu
    Biến âm của từ "miu" (miêu) nghĩa là con mèo.
  30. Nô bộc
    Một trong số mười hai cung của tử vi, thể hiện mối quan hệ của bè bạn, người cộng sự, cấp trên hay người giúp việc đối với thân chủ.
  31. Có bản chép: lại.
  32. Liu điu
    Cũng gọi là thìu điu, một loài bò sát có đầu hình tam giác và thân có sọc xanh giống như rắn lục, đặc biệt đuôi rất dài, có bốn chân.

    Con liu điu

    Con liu điu

  33. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  34. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  35. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  36. Lê viên
    Rạp hát tuồng (từ Hán Việt). Do bên Trung Quốc thời nhà Đường, vua Đường Minh Hoàng có tài âm nhạc, chọn ba trăm con em nhà nghề vào dạy ở trong vườn lê (lê viên), vì thế ngày nay gọi rạp hát tuồng là lê viên.
  37. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  38. Túy Loan
    Một làng cổ thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Xưa là nơi buôn bán tấp nập, sầm uất.

    Hội làng Túy Loan

    Hội làng Túy Loan

  39. An Phước
    Tên một ngôi trường tồn tại hơn 100 năm, nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ban đầu trường tên Cẩm Toại (do lập ở làng Cẩm Toại), sau đổi thành trường An Phước, nay là tiểu học An Phước. Do trường từng hưởng ứng Phong trào Duy tân, cách tân giáo dục và dạy học miễn phí, nên còn được gọi là nghĩa thục An Phước.

    Tiểu học An Phước qua ảnh cũ

    Tiểu học An Phước qua ảnh cũ

  40. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  41. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp