Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  2. Chim gà, cá lệch, cảnh cau
    Chim ngon nhất là gà, cá ngon nhất cá lịch, cảnh đẹp nhất cây cau.
  3. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  4. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  5. Tiên Phước
    Địa danh nay là một huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ chừng 25km về phía Tây. Ở đây có đặc sản là tiêu Tiên Phước, một loại tiêu có vị cay nồng nhưng rất thơm. .

    Vườn tiêu Tiên Phước

    Vườn tiêu Tiên Phước

  6. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  7. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  8. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  9. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  10. Một mất mười ngờ
    Khi mất của, người ta rất dễ ngờ vực, nhiều khi lung tung thiếu căn cứ.
  11. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  12. Yên Phụ
    Tên cũ là Yên Hoa, một làng cổ nằm ven Hồ Tây, có nghề nuôi cá cảnh và nghề làm hương đốt. Nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ô Yên Phụ nằm ở làng là một trong năm cửa ô nổi tiếng từ thời xưa của Hà Nội.
  13. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  14. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  15. Chùa Ông Bổn
    Tên của một số ngôi chùa do người Hoa ở Việt Nam lập ra để thờ Bổn đầu công Trịnh Hòa, nhà hàng hải và thám hiểm nổi tiếng của Trung Quốc. Ở Chợ Lớn, chùa này còn có tên là miếu (hoặc hội quán) Nhị Phủ. Ở Hội An, chùa còn có tên là hội quán Triều Châu.

    Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ) ở Chợ Lớn

    Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ) ở Chợ Lớn

  16. Minh Hương
    Một trong nhiều tên gọi của người Hoa ở Việt Nam. Sau khi nhà Thanh tiêu diệt nhà Minh, một số người Trung Hoa không chịu thần phục, chạy sang Việt Nam lánh nạn, lập thành làng, phố, gọi là người Minh Hương. Hai chữ Minh Hương ban đầu được viết là 明香 (hương hỏa nhà Minh), sau nhà Nguyễn đổi thành 明鄉 ("làng người Minh," hoặc "làng sáng sủa") nhằm tránh động chạm với nhà Thanh. Ở vùng Chợ Lớn (Sài Gòn), Hội An (Quảng Nam) và Huế đều có tên làng Minh Hương.
  17. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  18. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  19. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  20. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  21. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  22. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  23. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  24. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  25. Có bản chép: chê mắc chẳng ăn.
  26. Phòng không
    Buồng trống không có ai, ý nói ở vậy, không lấy vợ hay chồng.
  27. Thủ tiết
    Giữ trọn tiết nghĩa. Từ này thường được dùng cho người phụ nữ giữ trọn lòng chung thủy với chồng.
  28. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  29. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  30. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  31. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  32. Nước trái dừa non thường ngọt nên người ta hay khoét đầu để uống. Trái dừa già thì được phơi khô, chẻ đôi để làm gáo múc nước.