Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Huỳnh tinh
    Tên dân gian là cây mì tinh, miền Nam gọi là bình tinh, có vùng gọi là cây ngải hoặc cây nghệ tinh, một loại cây bụi gần giống gừng và nghệ, cho củ thon dài, nhọn, có vảy mỏng bao, nạc trắng, chứa nhiều bột. Bột huỳnh tinh được chế biến bằng cách cho củ vào cối giã nhuyễn, khuấy với nước sạch, xơ được vớt ra bằng tay và rây nhuyễn, dung dịch nước bột lỏng như sữa được để lắng xuống đáy vật chứa, kế đó chắt nước để ráo, rồi phơi khô trên vải. Nhân dân ta dùng bột huỳnh tinh để nấu chè hoặc làm những thức ăn tráng miệng.

    Củ huỳnh tinh

    Củ huỳnh tinh

  2. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  3. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  4. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  5. Nguyễn Bỉnh Khiêm
    (1491–1585) Tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa nước ta trong thế kỷ 16. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535), làm quan dưới triều Mạc, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công (nên dân gian gọi là trạng Trình). Ông được coi là tác giả của nhiều câu thơ có tính chất tiên tri (sấm kí) lưu hành trong dân gian, gọi chung là sấm Trạng Trình.

    Tượng đài trạng Trình

    Tượng đài trạng Trình

  6. Ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Thân (tức 1 tháng 5 năm 1884), vua Kiến Phúc lâm bệnh qua đời, ở ngôi được hơn 6 tháng. Em ông là Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi, tức là vua Hàm Nghi. Tháng 5 năm 1885 (Ất Dậu), trận Kinh thành Huế nổ ra, quân nhà Nguyễn dưới sự chỉ Huy của Tôn Thất Thuyết thất bại nặng nề. Quân Pháp chiếm được thành; vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phải bỏ thành chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) và phát động phong trào Cần Vương.
  7. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  8. Hoành
    Tấm biển, tấm hoành, đồ treo ngang (Đại Nam quấc âm tự vị).
  9. Nhật công
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhật công, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  10. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  11. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  12. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  13. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  14. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  15. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  16. Phú Lộc
    Một làng nay thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có nghề truyền thống là làm hương (nhang).
  17. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  18. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  19. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  20. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  21. Quan thư
    Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:

    Quan quan thư cưu
    Tại hà chi châu.
    Yểu điệu thục nữ,
    Quân tử hảo cầu

  22. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  24. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  25. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  26. Thì
    Thời, lúc.
  27. Chúa
    Chủ, vua.
  28. Từ đâu này đến cuối, có bản chép:

    Một mai chiếm bảng xuân vi
    Ấy là đề diệp tinh kỳ từ đây
    Ai ơi nghe thiếp lời này

  29. Chuối nước
    Còn gọi ngải tướng quân, loại cây mọc ven các bờ ruộng lúa. Cây chuối nước chặt hết ngọn, gọt vỏ xanh bên ngoài thì trắng nõn như măng tươi (nên còn gọi là măng nước), có thể ăn sống hay bào nhỏ nấu canh chua với cơm mẻ, cá lóc hay lươn đều rất ngon.Theo kinh nghiệm dân gian: Khi hoa chuối nước nở trắng thì chuẩn bị có mưa to; khi hoa trổ rồi tàn thì bắt đầu có thể mưa bão.

    Chuối nước

    Chuối nước

    Hoa chuối nước

    Hoa chuối nước

  30. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  31. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  32. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  33. Sinh tử
    Cũng như tử sinh, nghĩa là sự sống chết (từ Hán Việt).
  34. Đầu xanh
    Chỉ người tuổi còn trẻ.

    Hay là thuở trước khách hồng nhan?
    Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
    (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)

  35. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  36. Huyền đề
    Móng thừa ở chân chó, cũng gọi là móng treo hoặc móng đeo. Chó có móng này gọi là chó huyền đề.

    Chó huyền đề

    Chân một con chó huyền đề

  37. Mèo tam thể
    Mèo có bộ lông mang ba màu sắc khác nhau ở ba vùng riêng biệt, thông thường là các màu vàng/nâu vàng/đỏ, đen/nâu đen và trắng.

    Mèo tam thể

    Mèo tam thể

  38. Hậu Lộc
    Tên một huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như di chỉ khảo cổ học văn hóa Hoa Lộc, khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu, Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh...
  39. Phú Điền
    Tên một làng nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đền Bà Triệu, được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 để tưởng nhớ công ơn nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người đã có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Ngô.

    Đền thờ bà Triệu ở Phú Điền

    Đền thờ bà Triệu ở Phú Điền

  40. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  41. Hai người chèo thuyền thì một người chèo đằng sau gọi là lái, một người chèo phía trước gọi là mũi.
  42. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  43. Tà Lơn
    Tên người dân Tây Nam Bộ gọi núi Bokor, nay là công viên quốc gia Bokor, thuộc tỉnh Kampot của vương quốc Campuchia. Nằm ở độ cao 1.080m so với mực nước biển, cao nguyên Bokor có diện tích 1580 km2, là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm. Núi Bokor có nhiều hang động thâm u, kỳ bí đã dựng nên nhiều truyền thuyết về những hảo hán, giang hồ lặn lội từ Việt Nam sang để luyện bùa chú, học võ. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Kampot, Campuchia. Bokor theo tiếng Khmer nghĩa là cái gù của con bò, xuất phát từ hình dáng của núi.

    Phong cảnh trên núi Tà Lơn

    Phong cảnh trên núi Tà Lơn

  44. Cửu trùng đài
    Nghĩa đen là tòa tháp cao chín tầng, chỉ nơi tôn nghiêm, cao quý.
  45. Tầm Vu
    Tên thị trấn của huyện lị Châu Thành, tỉnh Long An.
  46. Vải bô
    Loại vải xấu, thường chỉ những người lao động, người nhà nghèo mới mặc.
  47. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.