Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyễn Giản Thanh
    Trạng nguyên khoa thi Đoan Khánh năm thứ tư (1508), đời vua Lê Uy Mục. Ông người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay là Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Làng Ông Mặc có tên Nôm là làng Me, nên nhân dân cũng gọi ông là trạng Me.
  2. Hứa Tam Tỉnh
    Người làng Như Nguyệt (làng Ngọt), huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Bảng nhãn khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh năm thứ 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục.
  3. Trạng Me đè trạng Ngọt
    Tương truyền trong khoa thi đình năm Mậu Thìn (1508), Nguyễn Giản Thanh (người làng Me) vốn đỗ bảng nhãn, còn Hứa Tam Tỉnh (người làng Ngọt) đỗ trạng nguyên. Khi hai ông vào yết kiến mẹ nuôi nhà vua, bà này lại muốn Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên, vì trông ông khôi ngô tuấn tú hơn. Chiều lòng mẹ, vua cất nhắc ông lên làm trạng, hạ Hứa Tam Tỉnh xuống bậc bảng nhãn, vì thế mà thành câu nói này. Đời sau vì thế cũng gọi Nguyễn Giản Thanh là “mạo trạng nguyên,” tức trạng nguyên nhờ dung mạo.
  4. Bãi Sậy
    Địa danh trước đây bao gồm địa phận các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vào cuối thế kỉ 19 do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo.
  5. Yên Thế
    Huyện cực bắc tỉnh Bắc Giang, là nơi diễn ra khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm của Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp (1885-1913).
  6. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  7. Nam tử
    Đàn ông, con trai (từ Hán Việt).
  8. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  9. Châu
    Hạt ngọc trai.
  10. Nguộc
    Ngọc (phương ngữ một số vùng Trung Bộ).
  11. Con sen
    Từ gọi người hầu gái dưới thời Pháp thuộc, có gốc từ tiếng Pháp servante (người ở, người giúp việc).
  12. Cửu đại
    Chín đời (từ Hán Việt).
  13. Ngoại nhân
    Người ngoài (từ Hán Việt).
  14. Cửu đại còn hơn ngoại nhân
    Bà con dẫu xa (chín đời) vẫn còn hơn người ngoài.
  15. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  16. Cung đàn
    Người làm nghề đàn trong những buổi hát chầu văn.
  17. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  18. Đức ông ở đây là vị thánh sẽ "giá ngự" vào xác bà đồng.
  19. Tháp Cánh Tiên
    Còn có tên gọi là tháp Đồng, một ngôi tháp nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, thuộc phong cách Bình Định và có một phần ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer do thời kì này có sự giao lưu thường xuyên giữa vương quốc Khmer và Chăm Pa.

    Tháp Cánh Tiên

    Tháp Cánh Tiên

  20. Po Ina Nagar
    Dân gian còn gọi là Thiên Y Thánh Mẫu, Bà Đen, hoặc bà Mẫu Thiện, nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Ở Nha Trang có tháp Po Nagar, cũng gọi là Tháp Bà, để thờ vị thần này.

    Tháp Bà Ponagar, Nha Trang

    Tháp Bà Ponagar, Nha Trang

  21. Về bài ca dao này, Ca dao Nam Trung Bộ (Thạch Phương - Ngô Quang Hiển), tr. 81 có chú thích: Trong [tháp Cánh Tiên] có thờ nữ thần Pô Naga - ta gọi là bà Mẫu Thiện - có chứa vàng bên trong, do vậy người Pháp đã đem về đập vỡ để lấy vàng.
  22. Nòng nọc
    Tên gọi ếch nhái ở giai đoạn đầu tiên trong chuỗi phát triển, sau khi nở từ trứng. Nòng nọc sống ở dưới nước, sau một thời gian sẽ rụng đuôi và trở thành ếch nhái trưởng thành, sống lưỡng cư.

    Các giai đoạn phát triển của ếch nhái

    Các giai đoạn phát triển của ếch nhái

  23. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  24. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

  25. Ráng
    Một loài dương xỉ lớn thường mọc thành bụi ở bờ kinh rạch, trong các rừng ngập mặn. Chồi, bẹ và lá ráng non được chế biến thành các món luộc hoặc xào. Cọng lá khô thì cứng và lâu mục nên được dùng bó chổi, làm chà thả xuống ao đầm nuôi cá. Thân lá được dùng làm vị thuốc Đông y.

    Cây ráng

    Cây ráng

  26. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  27. Cá cựu
    Cá sống lâu năm trong vùng đất ngập nước hoặc ở lâu trong đìa liên tiếp mấy năm không tát.
  28. Vìa
    Về (phương ngữ Trung và Nam Bộ), thường được phát âm thành dìa.
  29. Sống phá rối thị trường, chết chật đường chật xá
    Câu nói được cho là của người Sài Gòn xưa về Hoa kiều: họ rất giỏi buôn bán, có khi câu kết với nhau lũng đoạn thị trường gây khó khăn không ít cho người Việt; khi chết, theo phong tục, người Hoa làm tang lễ rất linh đình, nhiều lúc gây ảnh hưởng tới cộng đồng.