Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kim cải
    Cây kim, hạt cải. Chỉ duyên vợ chồng khắng khít như nam châm hút kim, hổ phách hút hạt cải.

    Kể từ kim cải duyên ưa
    Đằng leo cây bách mong chờ về sau

    (Quan Âm)

  2. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  3. Phiên bang
    Nước của người Phiên. Người Trung Quốc xưa gọi các dân tộc sống ngoài biên cương của mình là người Phiên. Về sau chữ "Phiên" được sử dụng để chỉ nước ngoài nói chung, đặc biệt là những nước không theo văn hiến Trung Hoa.
  4. Hớn địa
    Đất Hán (từ Hán Việt, đọc theo nhiều phương ngữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ) chỉ lãnh thổ Trung Hoa.
  5. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  6. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  7. Vợ lẽ
    Vợ hai, vợ thứ.
  8. Nhà thờ Lớn Hà Nội
    Tên chính thức là Nhà thờ Chính tòa thánh Giuse, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, được xây dựng từ năm 1884, nay thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

  9. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  10. Đếch, đác, ghe, đồ đều là các từ dân gian chỉ bộ phận sinh dục nữ.
  11. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  12. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  14. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  15. Đội Cung
    Tên thật là Trần Công Cung, tham gia lực lượng lính khố xanh tại Nghệ An và thăng dần lên chức Đội. Đêm 13/1/1941, ông cùng 11 lính đồn Chợ Rạng tiến về Đô Lương giết viên đồn trưởng đồn Đô Lương rồi cùng 25 lính ở đây tiến về Vinh ngay trong đêm đó với mục đích chiếm trại Giám Binh (thành Nghệ An) rồi phát triển ra các nơi khác. Do bị lộ nên nghĩa binh bị đàn áp, binh biến chấm dứt. Cuối tháng 2/1941, Tòa án binh Hà Nội xử 51 bị can trong vụ khởi nghĩa Rạng - Đô Lương. Đội Cung, cai Vỵ cùng 9 người lính khác bị kết án tử hình, 12 người bị án chung thân, 2 người bị án 20 năm khổ sai... Sáng 25/4/1941, ông bị hành quyết ở Vinh.
  16. Sử xanh
    Ngày xưa khi chưa có giấy, sử sách được chép lên miếng tre trúc, có vỏ màu xanh, nên được gọi là sử xanh (thanh sử).

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

  17. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  18. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  19. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  20. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  21. Năng
    Hay, thường, nhiều lần.
  22. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  23. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  24. Tháp Nhạn
    Tên dân gian còn gọi là tháp Dinh hoặc Dinh Ông, một tòa tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lị của Phú Yên. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 11-12. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng, hiện đã được trùng tu lại.

    Tháp Nhạn

    Tháp Nhạn

  25. Sông Ba
    Tên phần thượng lưu của sông Đà Rằng, con sông bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô của tỉnh Kon Tum, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung với diện tích hơn 20.000 ha.
  26. Tuy Hòa
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Tại đây có nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng, những dòng sông uốn lượn quanh dãy Trường Sơn, tạo nên nhiều đầm, phá, vịnh, vũng tuyệt đẹp.

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

    Cầu bắc ngang sông Đà Rằng, thành phố Tuy Hoà

  27. Phường Lụa
    Địa danh trước thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phường Lụa nổi tiếng bánh tráng và sắn.

    Sắn Phường Lụa

    Sắn Phường Lụa

  28. La Hai
    Một địa danh nay là thị trấn trung tâm huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa 45 km. Thị trấn La Hai nằm bên bờ sông Cái, cảnh vật rất nên thơ, lãng mạn.

    Nghe bài hát La Hai tháng Tư.

  29. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  31. Võng giá
    Vua quan ngày xưa thường đi bằng võng và xe (giá) do lính khiêng.

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

  32. Đánh khăng
    Miền Nam gọi là đánh trỏng, một trò chơi dân gian rất phổ biến trước đây. Dụng cụ chỉ gồm hai thanh gỗ hình trụ, gọi là cái và con (có nơi gọi là gà mẹ, gà con). Đánh khăng là trò chơi tập thể, thường được chơi trên bãi đất trống và có nhiều kĩ thuật đánh khác nhau. Đọc thêm.

    Đánh khăng

    Đánh khăng

  33. Ăn như đánh khăng vào mồm
    Chê thói gắp thẳng thức ăn từ dĩa cho vào mồm thay vì cho vào bát trước.
  34. Ngũ phụng tề phi
    Năm con chim phượng cùng bay, một danh xưng dùng để chỉ 5 người đồng hương cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi. Ở nước ta, danh hiệu này thường dùng để chỉ 5 thí sinh tỉnh Quảng Nam cùng đỗ khoa thi Mậu Tuất (1898) đời Thành Thái: Tiến sĩ Phạm Liệu (1872-1936, quê xã Điện Trang, huyện Điện Bàn), tiến sĩ Phan Quang (1875-1939, quê xã Quế Châu, huyện Quế Sơn), tiến sĩ Phạm Tuấn (1852-?, quê xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), phó bảng Ngô Chuẩn, tức Ngô Lý (1873-?, quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn), phó bảng Dương Hiền Tiến (1866-?, quê xã Điện Phong, huyện Điện Bàn).