Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  2. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  3. Làm mọn
    Làm vợ lẽ (mọn có nghĩa là nhỏ).
  4. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  5. Lâm tuyền kỳ ngộ
    Tên dân gian là Bạch Viên - Tôn Các, một truyện thơ khuyết danh phổ biến ở Nam Bộ ngày trước. Truyện kể về hai nhân vật chính là Bạch Viên (con vượn cái lông trắng) và chàng học trò Tôn Các. Nhờ phép thuật của Phật, Bạch Viên cởi bỏ lốt vượn, hóa thành thiếu nữ xinh đẹp, kết duyên cùng Tôn Các, sinh được hai con trai. Nhưng Bạch viên phải tuân lệnh Thiên đình, mãn số ở trần gian, từ giã chồng con về cõi tiên. Tôn Các ở lại trần gian, đi thi được chấm đậu, vua ban áo mão vinh quy. Sau cùng Ngọc Hoàng thương tình hai người ly biệt nên cho phép Bạch Viên xuống trần lần nữa tái hợp cùng Tôn Các để trọn đạo vợ chồng, sau khi chết lại cùng về thượng giới.

    Truyện thơ này đã được chuyển thể thành vở cải lương Bạch Viên - Tôn Các (xem tại đây).

  6. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  7. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  8. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  9. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  10. Lính thú
    Lính đi đóng đồn, canh phòng ở các vùng biên giới.
  11. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng

  12. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  13. Gò Duối
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh hỏi lòng heo Gò Duối nổi tiếng thơm ngon.
  14. Hòa Đa
    Tên một thôn nay thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có món bánh tráng Hòa Đa mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước để cuốn thức ăn, là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Bánh tráng Hòa Đa

    Bánh tráng Hòa Đa

  15. Bông
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  17. Hèm
    Bã còn lại sau khi đã chưng cất rượu bia, màu trắng đục, mùi rất nồng, thường dùng cho lợn ăn. Người nghiện rượu thường được gọi là hũ hèm.

    Nấu rượu

  18. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  19. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  20. Cháy
    Lớp cơm sát đáy nồi bị sém vàng đóng thành mảng.
  21. Quạt mo
    Quạt làm bằng mo cau. Sau khi cau trổ bông, tàu cau úa vàng rồi rụng xuống, được người ta nhặt đem phơi khô, ép thẳng rồi cắt thành hình chiếc quạt vừa tay cầm.

    Chiếc quạt mo

    Chiếc quạt mo

  22. Có bản chép: Yêu nhau yên phận thì thôi.
  23. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng