Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trâm bầu
    Một loại cây bụi hoặc gỗ, mọc hoang ở miền kênh rạch vùng Đông Nam Bộ hoặc được trồng để nuôi kiến cánh đỏ. Lá, rễ và hạt được cho là có nhiều tác dụng chữa bệnh, phổ biến nhất trong dân gian là dùng để tẩy giun đũa.

    Lá và quả trâm bầu.

    Lá và quả trâm bầu.

  2. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  3. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  4. Vợ sẽ được coi là thương chồng một khi sẵn lòng chiều theo ý thích của chồng ngay cả lúc buổi chợ đang còn đông kẻ mua người bán; chồng sẽ được coi là thương vợ một khi sẵn lòng chiều theo ý thích của vợ ngay cả lúc nắng quái chiều hôm trời còn đang nóng điên người (theo GS. Nguyễn Đức Dương).
  5. Đá kêu, rêu mọc
    Chậm chạp hoặc chậm trễ thái quá.
  6. Vải bô
    Loại vải xấu, thường chỉ những người lao động, người nhà nghèo mới mặc.
  7. Vải bố
    Vải dày dệt bằng sợi đay thô.

    Vải bố

    Vải bố

  8. Bố tời
    Loại vải như vải bố, nhưng thô hơn, thường dùng làm bao tải.

    Bao bố (bao đay)

    Bao bố (bao đay)

  9. Đá Trắng
    Một ngọn núi nay thuộc xã An Dân, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chùa Đá Trắng (Bạch Thạc Tự, hoặc chùa Từ Quang) được xây dựng từ năm 1797, xung quanh là một vườn trồng giống xoài quý cũng có tên là xoài Đá Trắng. Tương truyền, xoài Đá Trắng trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt lịm, để được lâu, hương không phai, mùa quả chín, mùi thơm đặc trưng bay xa vài trăm mét. Đặc biệt, các giống xoài khác khi ra hoa màu vàng, xoài Đá Trắng xưa thì hoa màu trắng và duy chỉ những cây trồng trong khuôn viên chùa thì quả mới có những đặc điểm quý hiếm kia. Thời Nguyễn đây là vật phẩm tiến vua. Mỗi năm vào tết Đoan Ngọ tỉnh Phú Yên phải dâng vua từ 1000 đến 2000 quả xoài.

    Chùa Đá Trắng

    Chùa Đá Trắng

  10. Thiên Thai
    Tên một ngôi chùa nay thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  11. Thuốc lá Lỗ Quy
    Thuốc lá trồng ở thôn Kỳ Lộ, hiện nay thuộc xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thuốc lá Lỗ Quy nổi tiếng thơm ngon từ lâu đời, và được mệnh danh là "xì gà đất Phú."
  12. Nhơn cùng tắc biến
    Người gặp lúc lúc nguy khốn, tất sẽ nghĩ ra cách để ứng phó (thành ngữ Hán Việt).
  13. Ải Bắc non Tần
    Ải Nam Quan ở biên giới phía Bắc (nay thuộc Trung Quốc) và vùng Bảy Núi sát biên giới Campuchia. Trong văn thơ cổ, ải Bắc non Tần (có dị bản là bể Bắc non Tần) thường dùng để chỉ sự xa cách.
  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Rét đài
    Rét váo tháng giêng âm lịch, khi mầm cây và nụ hoa còn được che chở trong đài.
  16. Rét lộc
    Rét vào tháng hai âm lịch, lúc này chồi cây (lộc) bắt đầu phát triển.
  17. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  18. Phú Thị
    Tên Nôm là Sủi, tên Hán Việt là Thổ Lỗi, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây một làng cổ có từ thời Lý-Trần, quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan và thi hào Cao Bá Quát. "Sủi" là một từ Việt cổ, có biến âm là Lỗi (hay Luỗi), nên sau được Hán Việt hóa thành Thổ Lỗi. Tại đây có lễ hội làng Sủi, diễn ra trong ba ngày từ 1 đến 3/3 âm lịch, để tưởng nhớ đến công đức của Nguyên phi Ỷ Lan và Tướng quân Đào Liên Hoa.
  19. Đình Dù
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  20. Lạc Đạo
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  21. Xuân Đào
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  22. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  23. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  24. Vạn thọ
    Một loài cây họ cúc, hoa thường có màu vàng hoặc cam, có rất nhiều cánh. Vì "vạn thọ" có thể dịch thoát ý là "sống thọ một vạn năm," nên hoa vạn thọ thường được nhân dân ta dùng trong các dịp Tết hoặc lễ cúng.

    Hoa vạn thọ

    Hoa vạn thọ