Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhung
    Sừng non của hươu nai. Hàng năm, vào cuối mùa hạ, sừng hươu, nai rụng đi, mùa xuân năm sau mọc lại sừng mới. Sừng mới mọc rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, sờ vào êm như nhung nên gọi là nhung hươu nai, bên trong chứa nhiều mạch máu. Nhung có thể chưa phân nhánh hoặc có nhánh, còn gọi là nhung yên ngựa (nhung mới bắt đầu phân nhánh, còn ngắn, bên dài bên ngắn). Nhung là một vị thuốc rất bổ.

    Hươu có nhung

    Hươu có nhung

  2. Điều
    Cũng gọi là đào lộn hột, một loại cây công nghiệp dài ngày. Quả (thật ra là cuống phình to ra) vị ngọt, nhiều nhựa, ăn được. Hạt (thật ra là quả) hình thận, chứa dầu, rang ăn giòn và bùi.

    Quả đào lộn hột

    Quả đào lộn hột

  3. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bảy Hột.
  5. Kén lừa
    Kén chọn.
  6. Đồng Quan, đồng Chùa
    Hai cánh đồng thuộc địa phận xã Hà Lâm, nay là xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  7. Chánh Lộc
    Tên một làng nay thuộc xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  8. Nồn Nàng, Nồn Bái, Nồn Anh, Nồn Hoa, Nồn Giàng, Nồn Hang
    Tên cái xứ đồng kéo dài từ xã Hà Giang sang xã Hà Lĩnh, thuộc địa phận huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
  9. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  10. Núi Bài Thơ
    Một ngọn núi đá vôi cao trên 200m, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Có tên như vậy vì trên núi còn lưu lại bài thơ chữ Hán của vua Lê Thánh Tông (1468) và chúa Trịnh Cương (1729).

    Núi Bài Thơ

    Núi Bài Thơ

  11. Bát vạn, cửu văn
    Các quân bài trong tài bàn, một trò chơi bài lá tượng tự tổ tôm nhưng luật chơi đơn giản hơn.
  12. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  13. Cơi
    Đồ dùng thường bằng gỗ, thường có nắp đậy, dùng đựng các vật lặt vặt hoặc để đựng trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  14. Cá bạc má
    Một loại cá biển, sống thành đàn, có thân hình thuôn dài, hơn dẹt sang hai bên. Đây là một trong những loại cá được đánh bắt nhiều ở nước ta, và được chế biến thành rất nhiều món ăn.

    Cá bạc má

    Cá bạc má

  15. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  16. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  17. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  18. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  19. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  20. Ngãi nhơn
    Nghĩa nhân (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  22. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  23. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  24. Cốm hai lu
    Một kiểu bán bánh cốm đặc trưng của các o ở Huế ngày trước: chứa cốm trong hai cái lu lớn gánh đi bán.
  25. An Thuận
    Một làng nay thuộc địa phận Hương Toàn, Hương Trà, Huế. Làng có nghề truyền thống là làm cốm dẹp.
  26. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  27. Sáo
    Còn gọi là mành sáo, là tấm đan bằng tre, có nan to, thường treo trước nhà hoặc gần cửa sổ để che nắng. Sáo cũng có thể được treo trước bàn thờ.

    Mành sáo

    Mành sáo

  28. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  29. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  30. Căng cọc giăng nài
    Một trong những lối hình phạt ngày xưa, dùng dây căng tay chân phạm nhân và buộc vào các cây cọc (nọc) đóng sâu xuống đất trước khi đánh đập tra khảo.