Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nốc
    Cổ ngữ Việt chỉ thuyền, ghe. Ngày nay chỉ thuyền nhỏ, còn dùng ở miền Bắc Trung Bộ.
  2. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  4. Rọ
    Tên gọi chung cho các dụng cụ đan bằng tre, nứa để đựng đồ, hay để nhốt, đánh bẫy thú.

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

  5. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  6. Kẻng
    Vật bằng kim loại, dùng đánh ra tiếng để báo hiệu. Ngày xưa khi chưa có đồng hồ, chưa có loa đài, dân ta thường đặt một cái kẻng để khi có việc gì thì gõ kẻng báo mọi người đến họp. Lao động ở Hợp tác xã thì khi nào có tiếng gõ kẻng là đến giờ mọi người nghỉ làm để ăn cơm. Thành ngữ ăn cơm trước kẻng chỉ người lười nhác, ăn cơm trước trong khi người khác đang lao động. Ngày nay câu thành ngữ này mang một nghĩa khác, dùng để chỉ những cặp nam nữ có quan hệ tình dục trước hôn nhân.
  7. Đông Ba
    Một địa danh ở Huế, vốn là tên dân gian của cửa Chính Đông, kinh thành Huế. Địa danh này gắn liền với chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất của Huế, trước đây tên là Quy Giả thị ("chợ của những người trở về," đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn). Đến năm 1887 vua Đồng Khánh cho xây lại gồm có “đình chợ” và “quán chợ” lấy tên là Đông Ba. Đến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Đông Ba về vị trí bây giờ, đình chợ cũ sửa lại làm thành trường Pháp Việt Đông Ba.

    Địa danh Đông Ba thật ra tên cũ là Đông Hoa, nhưng do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa dưới thời Nguyễn mà đổi tên.

    Chợ Đông Ba ngày trước

    Chợ Đông Ba ngày trước

  8. Giại có nghĩa là bãi đất trống. Trong bài Đi dọc sông Hương, tác giả Võ Quang Yến cho rằng: Năm 1885, chợ hoàn toàn bị đốt sau ngày Kinh đô thất thủ, vua Đồng Khánh cho xây lại với tên chợ Đông Ba, và năm 1899 vua Thành Thái cho dời qua địa điểm bây giờ là một chỗ đất trống lúc trước có trại sửa chữa thuyền ngự, đọc trạnh ra thành giại [...]
  9. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  10. Xi măng
    Từ mượn của tiếng Pháp ciment, trước đây cũng gọi là xi-mon.
  11. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  12. Câu ca dao này được cho là tả tình cảnh của Huế sau trận bão lụt năm Thìn (1904). Xem thêm chú thích bão lụt năm Thìn.
  13. Rỗi ràng
    Rỗi rãi, rảnh rỗi.
  14. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  15. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  16. Đỏ
    Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
  17. Tháp Chàm
    Tên gọi chung của những công trình dạng đền tháp của người Chăm (xưa gọi là người Chàm), trước đây sinh sống ở khu vực nay là Nam Trung Bộ. Tháp được xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông, có không gian bên trong chật hẹp, thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông. Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Một số (quần thể) tháp Chàm tiêu biểu: Thánh địa Mỹ Sơn, tháp Bà, tháp Hưng Thạnh, tháp Nhạn...

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  18. Tam sơn, tứ hải
    Chỉ mặt đất. Người xưa cho mặt đất gồm tám phần: núi ba, biển bốn, ruộng đất một (tam sơn tứ hải nhất phần điền).
  19. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  20. Gánh nước

    Gánh nước

  21. Thụy Phương
    Tên một làng nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng có tên nôm là làng Trèm, cũng gọi là làng Chèm, nằm bên bờ sông Nhuệ.
  22. Đông Ngạc
    Tên nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ, một làng cổ ở nằm sát chân cầu Thăng Long, thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học, đồng thời nổi tiếng với nghề truyền thống là làm nem.