Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hồi Quan
    Tên một làng nay thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây có nghề dệt vải truyền thống, đến nay vẫn còn được duy trì.

    Dệt vải ở Hồi Quan

    Dệt vải ở Hồi Quan

  2. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  3. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  4. Hanh heo, đường trèo lên ngọn
    Vào tiết thu, khi gió heo may mang hơi lạnh và khô thổi tới thì cây mía sẽ ngọt từ gốc lên tới ngọn.
  5. Mũ ni
    Mũ có diềm che kín hai mang tai và sau gáy, sư tăng và các cụ già miền Bắc thường hay đội.

    Đội mũ ni

    Đội mũ ni

  6. Yến lão
    Một buổi tiệc theo tục lệ xưa do chính quyền đặt ra để tiếp đãi các cụ già ngoài 70 tuổi. Tiệc được tổ chức vào ngày xuân, đặt ở đình làng nơi tỉnh lị, đình ấy được gọi là đình Yến lão.
  7. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  8. Nhà dây thép
    Bưu điện. Gửi điện tín được gọi là "đánh dây thép." Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, hiện nay ít được dùng.
  9. Thanh trục
    Trong nghề nông, trục là công cụ để cán đất ruộng cho nhuyễn. Trục gồm có ống trục (ống dài đẽo 5 khía, hai đầu được giữ chặt bởi hai tai trục) gắn vào thanh gỗ nằm ngang gọi là thanh trục. Trên thanh trục có gắn bàn ngồi cho người điều khiển trâu bò đứng hoặc ngồi trên thanh trục.

    Chú bé ngồi trên thanh trục

    Chú bé ngồi trên thanh trục

  10. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  11. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  12. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  13. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  14. Bá tòng
    Cây bá (trắc) và cây tùng, hai loại cây sống rất lâu năm. Bá tòng vì thế tượng trưng cho tình nghĩa lâu bền. Đồng thời bá tòng cũng chỉ sự tu hành, vì hai loại cây này thường được trồng ở sân chùa.
  15. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  16. Theo Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính): Tối sợ kẻ trộm vào nhà thì dựng ngược một cái chổi ở cửa ra vào, và đọc [câu thần chú này].
  17. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  18. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  19. Bánh phu thê
    Còn gọi là bánh xu xê, xu xuê, một loại bánh ngọt cổ truyền, thành phần chủ yếu là bột gạo, bột năng, đậu xanh, đường trắng, được gói trong hai lớp lá chuối và lá dừa, tùy nơi mà bánh có màu sắc và nhân khác nhau. Bánh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng, thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.

    "...Bánh xu xê. Cái tên kì khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ, cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm." (Hà Nội băm sáu phố phường - Thạch Lam)

    Bánh phu thê

    Bánh phu thê

  20. Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị
    Văn không có ai đứng nhất, võ không có ai đứng nhì. Người theo nghề văn, võ thường thích độc tôn, không chịu nhận ai ngang mình.
  21. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).