Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cửa Tam Quan
    Tên một cửa biển nay thuộc xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định.

    Bờ kè chắn sóng ở cửa Tam Quan

    Bờ kè chắn sóng ở cửa Tam Quan

  2. Bày
    Phô ra, lộ ra.
  3. Cừ
    Cọc bằng gỗ được đóng xuống để củng cố đất, dùng trong các công trình xây dựng trên nền đất yếu, đất bùn (nhà cửa gần sông rạch, đê điều chắn sóng...).
  4. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  5. Hốt hỏa lôi đình
    (Tính tình, cư xử) nóng như lửa (hỏa), như sấm sét (lôi).
  6. Tâm thần bất định
    Trạng thái tâm lí không ổn định (nóng nảy, lo lắng...).
  7. Thân sinh
    Người đẻ ra mình, nói với nghĩa kính trọng. Ông thân sinh là cha, bà thân sinh là mẹ.
  8. Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.

    Cái vò

    Cái vò

  9. Xáng
    Đánh, đập mạnh một cái gì (xáng chén, xáng bạt tai...).
  10. Cây mận. Trong bài Quân Tử Hành của nhà thơ Tào Thực có câu “Qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan” 瓜田不納履, 李下不整冠, nghĩa là (ở) ruộng dưa chớ xỏ giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ (để tránh tình ngay lí gian).
  11. Muốn phát lạnh, thấy lạnh cả người (cách nói của người Nam Bộ).
  12. Bánh tét
    Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.

    Một dĩa bánh tét

    Một dĩa bánh tét

  13. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  14. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  15. Ăn đầu Dần chí Dậu
    Ăn tham, ăn nhiều và liên tục, ăn từ sáng sớm (giờ Dần) đến chiều tối (giờ Dậu). Xem thêm các chú thích về đêm năm canh, ngày sáu khắc.
  16. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  17. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  18. Mâm cao đánh ngã bát đầy
    Trong các cỗ làng ngày trước, mâm ở vị trí cao thường dành cho các vị chức sắc, các cụ cao niên hoặc người được tôn trọng trong làng xã. Bát đầy được hiểu là đồ ăn thức uống không được dọn thành mâm (cỗ), mục đích chỉ cốt ăn uống cho no bụng. Do đó, cái “mâm cao” sang trọng giữa làng vẫn được người ta thích hơn là cái bát đầy ở xó bếp.
  19. Khôn
    Khó mà, không thể.
  20. Vua Lê chúa Trịnh
    Một thời kì trong lịch sử nước ta, kéo dài từ năm 1545, khi Trịnh Kiểm thâu tóm toàn bộ binh quyền nhà Lê, cho đến năm 1786, khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc đánh Thăng Long "phù Lê diệt Trịnh." Trong giai đoạn này mặc dù nhà Lê trên danh nghĩa vẫn tồn tại, nhưng thực chất quyền hành nằm cả trong tay các chúa Trịnh. Quan hệ vua Lê-chúa Trịnh thật ra là quan hệ cộng sinh: Vua Lê muốn tồn tại được phải nhờ cậy vào thế lực của chúa Trịnh; ngược lại, Chúa Trịnh muốn tiêu diệt được các đối thủ của mình cũng phải dựa vào “cái bóng” của vua Lê.
  21. Khương Hạ
    Tên một làng nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đây làng có nghề làm đồ chơi dân gian, nhưng hiện đã mai một.
  22. Đình Gừng
    Một ngôi đình nay thuộc Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, thờ thần sông Tô Lịch và Lê Dương Vệ. Nơi đây từng được quân Quang Trung chứa vũ khí để đánh đuổi quân Thanh. Vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội, gọi là hội Đình Gừng, bao gồm lễ chạy mã, múa rồng, múa sư tử, cờ người, vật, hát chèo...
  23. Cống Ngâu chợ Chùa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cống Ngâu chợ Chùa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  24. Binh
    Bênh vực (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Ô
    Vật đúc bằng đồng thau, có hình giống cái chuông, đáy bằng, có nắp đậy, dùng đựng trầu cau. Từ này có gốc từ từ Hán Việt âu.

    Ô

    Ô

  26. Bén
    Chạm vào, quen với, gắn bó với.

    Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
    Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

    (Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)

  27. Màu đào
    Màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào.
  28. Thuyền không
    Thuyền trống, không có người.
  29. Bến Giang Đình
    Bến đò cổ Giang Đình (Giang Đình cổ độ). Theo sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn, trước kia bến đò này có tên Tả Ao, chạy dài từ xã Uy Viễn (Xuân Giang) xuống đến làng Yên Lưu (nay là thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

    Cuối năm 1771, khi Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm hồi hưu, dân làng dựng một ngôi đình tạm ba gian, ngay trước bến sông, cắm cờ rợp trời từ bến sông đến cổng chính gia tộc họ Nguyễn để đón rước. Để đáp lại tấm lòng của dân làng, ông đã bỏ tiền xây lại ngôi đình trước bến thành ngôi đình khang trang, làm nơi hội họp và lễ mừng đăng khoa. Từ đó, bến sông này được mang tên bến Giang Đình. Hiện nay tại đây chỉ còn lại vài dấu vết như gốc cây đa, giếng nước, lò nung vôi.

    Bến Giang Đình

    Bến Giang Đình

  30. Còn không
    Còn chưa có ai.
  31. Giả như
    Giống như, ví dụ như (phương ngữ).
  32. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  33. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều