Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nỏ
    Khô ráo.
  2. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  3. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  4. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  5. Lung
    Vùng đầm nước ngập, có bùn.
  6. Tam sơn, tứ hải
    Chỉ mặt đất. Người xưa cho mặt đất gồm tám phần: núi ba, biển bốn, ruộng đất một (tam sơn tứ hải nhất phần điền).
  7. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  10. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  11. Chợ Giang
    Tên ngôi chợ thuộc xã Thổ Tang (nên cũng gọi là chợ Thổ Tang), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ thế kỉ 13, đây đã được coi là một vùng đất buôn bán có tiếng. Ngày nay đây là một chợ lớn của vùng, với mặt hàng tiêu thụ chính là nông sản.

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

  12. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  13. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  14. Kẻ Chéo
    Một làng nay thuộc địa phận xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  15. Vẽ rắn thêm chân
    Từ thành ngữ Hán-Việt Họa xà thiêm túc 畫蛇添足, chỉ việc làm thừa thãi, vô nghĩa. Theo Chiến Quốc sách: Nước Sở có người cúng xong, cho bọn người nhà một nậm rượu. Bọn người nhà bảo nhau: "Mấy người uống thì không đủ, một người uống thì dư. Hãy thi vẽ rắn trên đất, ai vẽ xong trước thì được uống." Một người vẽ xong trước, lấy rượu uống, tay trái cầm nậm, tay phải vẽ thêm vào hình con rắn, bảo: "Tôi có thể vẽ thêm chân." Vẽ chưa xong thì một người khác đã vẽ xong rắn, giật lấy nậm rượu, bảo: "Rắn vốn không có chân, sao anh lại vẽ chân cho nó?" Rồi uống hết nậm rượu. Thế là người vẽ rắn thêm chân kia mất rượu uống.
  16. Ông Tịt bà Tịt
    Hình tượng dân gian của bệnh nổi mề đay (cũng gọi là bệnh tịt). Theo tín ngưỡng, trẻ con mắc bệnh tịt là vì bị một giống "ma tịt" đốt phải.
  17. Trầu lá lốt
    Lá lốt được têm thành miếng như miếng trầu.
  18. Theo tín ngưỡng dân gian, để chữa bệnh nổi mề đay (bệnh tịt) ở trẻ con, người ta sửa soạn một lễ cúng gồm cứt trâu và lá lốt (được têm như trầu), mang đặt vào một chỗ cây cỏ rậm rạp có nhiều muỗi rồi thắp nhang cúng, vừa cúng vừa khấn vái bài này.
  19. Đụn
    Kho thóc.
  20. Hòn Kẽm Đá Dừng
    Một nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước đây thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; nay là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức. Có ý kiến cho rằng chỉ có tên ngọn núi là Hòn Kẽm, còn "đá dừng" là để mô tả vách đá dựng đứng, hiểm trở của ngọn núi này.

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

  21. Nhược bằng
    Nếu như (từ cổ).
  22. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  23. Đê
    Tây da đen.
  24. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  25. Song đường
    Thung đườnghuyên đường, chỉ cha và mẹ (từ Hán Việt).
  26. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  27. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  28. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  29. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  30. Thời xưa nhân dân làng Mui hay đi vớt củi rều trên sông và chặt thân ngô đem bán.
  31. Nam Dư
    Tên một làng nay thuộc phường Lĩnh Nam, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng này ngày xưa có lò nấu đường, làm mật.
  32. Thanh Trì
    Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
  33. Đồng Nhân
    Tên một làng nay thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây có đền Đồng Nhân, thờ Trưng Trắc – Trưng Nhị, hằng năm từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 2 âm lịch lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Hai Bà.
  34. Thúy Ái
    Một làng nằm bên bờ sông Hồng, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Toàn bộ đồng đất của làng là đất bãi phù sa tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng dâu, mía.
  35. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  36. Sở Lờ
    Còn có tên là Sở Thượng, một phần của xã Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay. Làng ngày xưa có nghề đánh cá, đơm lờ, vì vậy thành tên.