Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cân già
    Trọng lượng thực tế nhiều hơn số đo trên cân một ít.
  2. Cân non
    Trọng lượng thực tế ít hơn số đo trên cân một ít.
  3. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  4. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  5. Sông Sài Gòn
    Tên cũ là Bình Giang, một con sông chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện Nhà Bè.

    Sông Sài Gòn

    Sông Sài Gòn

  6. Chợ Củ
    Chợ Củ Chi, thuộc quận huyện Củ Chi, Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
  7. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  8. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  9. Lưu Bình - Dương Lễ
    Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh theo thể lục bát, kể về hai người bạn rất thân. Dương Lễ nhà nghèo nên cố công học hành, trong khi Lưu Bình nhà giàu lại lười biếng ham chơi. Sau Dương Lễ đỗ đạt, ra làm quan, còn Lưu Bình thì nhà cửa khánh kiệt. Khi tìm đến nhà Dương Lễ để nhờ giúp đỡ, Lưu Bình bị bạn bạc đãi, lánh mặt không tiếp, chỉ sai người ở dọn cơm hẩm dưa cà cho ăn. Chàng tủi nhục bỏ về, giữa đường gặp một người con gái tên là Châu Long. Nàng khuyên giải và lo liệu cho chàng ăn học. Sau này Lưu Bình đỗ Trạng nguyên, quay về thì không thấy Châu Long đâu. Khi đến phủ của Dương Lễ để mỉa mai trách móc bạn bạc nghĩa, Lưu Bình mới phát hiện ra Châu Long chính là vợ thứ ba của Dương Lễ, và tất cả là mưu kế của bạn để khích cho mình quyết chí tu tỉnh.

    Truyện thơ Lưu Bình - Dương Lễ đã được dựng thành các vở chèo, tuồng và truyện thơ theo thể lục bát qua nhiều thời kỳ, và trở thành biểu tượng về tình bạn khắng khít, tình vợ chồng chung thủy.

  10. Đây là cách gỡ bí của người hát câu đáp này, vì không có tài liệu nào chép tên cha mẹ của Lưu Bình, nên người hát đáp đã dùng chữ "hũ" gần nghĩa với chữ "bình" trong Lưu Bình để bịa ra cái tên Lưu Hũ, nhằm thoát câu bắt bí của người hát đố.
  11. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  12. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  13. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Có bản chép: Tai nghe.
  15. Gian hùng
    Người có tài năng nhưng mưu mô quỷ quyệt, không từ thủ đoạn nào để đạt mục đích của mình.

    Tào Tháo

    Tào Tháo, nhân vật gắn liền với hai chữ "gian hùng"

  16. Có bản chép: anh hùng.
  17. Nguyễn Văn Tường
    Một nhân vật lịch sử của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh năm 1824 tại Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan đến chức phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn, chủ trương đánh Pháp. Năm 1874, do tình thế bắt buộc, ông phải đại diện triều đình kí kết hòa ước Giáp Tuất, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1884, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, trận Kinh thành Huế thất bại, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua bôn tẩu khắp nơi. Sau ông về trở về hợp tác với Pháp, chịu nhiều nghi kị. Sau ông bị đày đi Tahiti và mất ở đó vào ngày 30/7/1886.

    Từng có nhiều nhận xét khen chê của hậu thế về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, nhưng cho đến nay đã thống nhất: ông là người có công với dân tộc.

    Nguyễn Văn Tường

    Nguyễn Văn Tường

  18. Hoàng Kế Viêm
    Phò mã và danh tướng nhà Nguyễn, tên thật là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chẳng bao lâu thì vợ mất. Khi quân Pháp xâm chiếm nước ta, Hoàng Kế Viêm đứng về phe chủ chiến. Sau khi triều đình kí Hòa ước Giáp Thân (1884) với Pháp, vua Kiến Phúc đã ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Huế, nhưng ông không tuân lệnh, vẫn ở lại phối hợp với quân Thanh đánh Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa.

    Năm 1884, ông được phong làm Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật viện Đại thần. Chẳng bao lâu ông xin về trí sĩ nhưng không được, mãi đến đời vua Thành Thái, năm 1889, ông mới được nghỉ hưu, về quê sống đến khi mất (1909), thọ 89 tuổi. Hiện vẫn còn khá nhiều tranh cãi về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

  19. Ông Ích Khiêm
    Một danh tướng của nhà Nguyễn. Ông sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý (tức 25 tháng 1 năm 1829) tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Vốn tính nghiêm khắc, nóng nảy đến mức ngang bướng, đời làm quan của ông có nhiều thăng trầm, nhiều lần bị cách chức rồi phục chức. Tháng 6 âm lịch năm 1884, vua Kiến Phúc mất đột ngột. Ông Ích Khiêm lúc ấy đang bị giam trong quân lao Bình Thuận, hay tin, liền nhịn đói luôn bốn ngày, viết di chúc rồi uống thuốc độc mất.
  20. Tôn Thất Thuyết
    Quan phụ chính đại thần của nhà Nguyễn, người đã cùng vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp. Ông sinh năm ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi, tức 12 tháng 5 năm 1835 tại làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến cạnh Kinh thành Thuận Hóa, nay thuộc thôn Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế, làm quan đại thần trong triều Nguyễn. Khi Pháp xâm chiếm nước ta, ông thuộc phe chủ chiến. Tất cả những người có quan hệ mật thiết với Pháp đều bị ông tìm cách trừ khử. Cùng với Nguyễn Văn Tường, ông lần lượt phế bỏ các vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, để cuối cùng đưa Hàm Nghi lên ngôi. Sau thất bại ở trận Kinh thành Huế năm 1885, ông lưu lạc nhiều nơi, chủ trương cầu viện nhà Thanh đánh Pháp, nhưng những hoạt động của ông đều không mang lại kết quả. Ông mất tại Trung Quốc vào ngày 22 tháng 9 năm 1913.

    Về cuộc đời Tôn Thất Thuyết, hiện nay có khá nhiều đánh giá trái ngược nhau. Một số học giả phê phán ông là phản thần, nghịch tặc vì đã liên tục phế vua, trong khi một số khác thì ca ngợi ông là một người nặng tấm lòng yêu nước.

    Tôn Thất Thuyết

    Tôn Thất Thuyết

  21. Có bản chép: thằng.
  22. Võ phu
    Người chỉ có sức khoẻ, cậy khoẻ, thiếu trí tuệ.
  23. Đề Đức
    Tên một quan đề đốc của triều Nguyễn, có bản chú là Vũ Văn Đức, lại có bản chú là Nguyễn Đức. Hiện chưa tìm được thông tin cụ thể về nhân vật này.
  24. Trần Xuân Soạn
    Một vị tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, làm đến chức Đề đốc nên còn gọi là Đề Soạn. Đầu tháng 4 năm 1885, thời vua Hàm Nghi, ông cùng Tôn Thất Thuyết đánh Pháp đóng ở đồn Mang Cá trong trận Kinh thành Huế. Sau khi thất bại, ông lãnh nhiệm vụ tổ chức phong trào Cần vương ở Thanh Hóa. Ít lâu sau, ông sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ và tổ chức lại lực lượng, nhưng rồi bị mắc kẹt luôn ở bên đó. Ở Long Châu, được sự giúp đỡ của một số sĩ phu Hoa Nam, ông đã tổ chức được mấy toán quân, và nhiều lần về hoạt động ở biên giới, nhưng tất cả đều không thành công. Năm Quý Hợi (1923), Trần Xuân Soạn mất tại Long Châu, thọ 74 tuổi.
  25. Bài ca dao này ra đời sau thất bại của trận Kinh thành Huế vào năm 1885, dẫn đến toàn bộ quyền triều chính lọt vào tay người Pháp. Lúc ấy có tin đồn Kinh đô thất thủ là do Pháp sắp đặt và những người lãnh đạo cuộc tấn công là nội gián của Pháp, nhằm tiếp tay cho Pháp đô hộ Việt Nam sớm hơn.
  26. Dụng cụ bắn đá cầm tay, thường làm từ một chạc cây hoặc bằng hai thanh tre ghép với nhau, đầu có dây cao su để căng ra. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Khmer sna.

    Bắn ná

    Bắn ná

  27. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  28. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Me
    Mẹ (từ địa phương).
  30. Phạt vạ
    Hình phạt ở làng, xã nước ta thời phong kiến, thường là bằng tiền.
  31. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.