Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chó ăn mồm
    Chửi hạng hỗn hào, gặp không biết chào hỏi ai.
  2. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  3. Bén
    Chạm vào, quen với, gắn bó với.

    Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
    Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

    (Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)

  4. Màu đào
    Màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào.
  5. Thuyền không
    Thuyền trống, không có người.
  6. Bến Giang Đình
    Bến đò cổ Giang Đình (Giang Đình cổ độ). Theo sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn, trước kia bến đò này có tên Tả Ao, chạy dài từ xã Uy Viễn (Xuân Giang) xuống đến làng Yên Lưu (nay là thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

    Cuối năm 1771, khi Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm hồi hưu, dân làng dựng một ngôi đình tạm ba gian, ngay trước bến sông, cắm cờ rợp trời từ bến sông đến cổng chính gia tộc họ Nguyễn để đón rước. Để đáp lại tấm lòng của dân làng, ông đã bỏ tiền xây lại ngôi đình trước bến thành ngôi đình khang trang, làm nơi hội họp và lễ mừng đăng khoa. Từ đó, bến sông này được mang tên bến Giang Đình. Hiện nay tại đây chỉ còn lại vài dấu vết như gốc cây đa, giếng nước, lò nung vôi.

    Bến Giang Đình

    Bến Giang Đình

  7. Còn không
    Còn chưa có ai.
  8. Nhất niên nhất lệ
    Mỗi năm (chỉ có) một lần.
  9. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  10. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  11. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  12. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  13. Một xương một thịt
    Anh chị em cùng một cha mẹ mà ra.
  14. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  15. Yên Thống
    Tên một làng nay thuộc xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  16. Mần như Yên Thống, sống cũng như chết
    Yên Thống rất nghèo, người dân phải lao động cực khổ.
  17. Thị thiềng
    Thị thành (cách phát âm ở một số vùng Nam Bộ).
  18. Chạ
    Tầm thường, không có gì vượt trội.
  19. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  20. Dam
    Còn gọi là dam, tên gọi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ của con cua đồng.

    Cua đồng

    Cua đồng

  21. Áo song khai
    Một loại áo rất phổ biến trong thời nhà Nguyễn. Áo trơn không thêu, tay chẽn, vạt trước xẻ từ thân giữa trở xuống, khi mặc phải thả thắt lưng xuống chính giữa để che phần dưới.
  22. Quần lá hẹ
    Quần có đường viền rất nhỏ (như lá hẹ).
  23. Lục Lễ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  24. Có bản chép là "Luật Lễ."
  25. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  26. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  27. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  28. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  29. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  30. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  31. Bần
    Nghèo (từ Hán Việt).
  32. Phú
    Giàu (từ Hán Việt).
  33. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  34. Đong đi đổ lại
    Đáp trả lại, cãi lại (phương ngữ Nam Bộ).
  35. Giữ giàng
    Như giữ gìn.
  36. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  37. Theo giai thoại, câu hát này do một cô gái hát để trêu Trần Hàn, trong có nhắc tên ông (Hàn) và tên thân phụ ông (Trần Liệu).