Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  2. Bù rầy
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bù rầy, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  3. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  4. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  5. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  6. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  7. Vượng
    Tốt, mạnh (từ Hán Việt).
  8. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  9. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  10. Để
    Tha thứ, tha mạng (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  12. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  13. Quan ba
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm đại úy (capitaine) Gọi vậy vì quân hàm này có 3 vạch.
  14. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  15. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  16. Hai cây me do cụ thân sinh ra ba anh em nhà Tây Sơn - cụ Hồ Phi Phúc, trồng ở thôn Kiên Mỹ, quê vợ. Hai cây me này nay vẫn còn bên cạnh đền thờ thuộc bảo tàng vua Quang Trung.

    Một trong hai cây me ở bảo tàng Quang Trung

    Một trong hai cây me ở bảo tàng Quang Trung

  17. Bến Trường Trầu
    Một bến đò bên dòng sông Côn, nay thuộc thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Thôn Kiên Mỹ có Xóm Trầu chuyên buôn bán trầu cau. Tại đây, anh cả của ba anh em nhà Tây SơnNguyễn Nhạc từng nối nghiệp cha mẹ buôn bán trầu, nên mọi người gọi là anh Hai Trầu. Bến sông Côn tập kết trầu cau để chở đi các chợ An Thái, Quy Nhơn... thành tên bến Trường Trầu.

    Cầu Kiên Mỹ mới ở khu vực bến Trường Trầu xưa

    Cầu Kiên Mỹ mới ở khu vực bến Trường Trầu xưa

  18. Câu ca dao này được cho là xuất hiện sau ngày nhà Tây Sơn bị diệt, Nguyễn Ánh lên ngôi. Lòng dân luyến tiếc nhà Tây Sơn, nhưng trước sự trả thù tàn bạo của Gia Long và nhà Nguyễn sau này, đành phải gửi ẩn ý vào đây.
  19. Bãi tràng
    Tan trường.
  20. Làng La
    Tên gọi chung bảy làng ở huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bảy làng gồm: La Cả (Ỷ La và La Nội), La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh. Xưa kia bảy làng này đều có nghề dệt cổ truyền. La (羅) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là dệt sợi, đan sợi. Các làng dệt thờ 10 vị tiên sư sống vào thời Lê Trung Hưng từ nơi khác đến cư ngụ và có công cải tiến nâng cao kỹ thuật dệt. Ngoài ra nơi đây còn thờ ông Trần Quý (thế kỷ 19) làm ông tổ nghề dệt gấm.
  21. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  22. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  23. Bần Yên Nhân
    Gọi tắt là làng Bần, một địa danh nay là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Làng Bần nổi tiếng với tương Bần, loại tương đặc trưng của miền Bắc, được sản xuất từ thế kỉ 19.

    Tương Bần

    Tương Bần

  24. Vạn Vân
    Một thương hiệu nước mắm do doanh nhân Đoàn Đức Ban sáng lập, từng nổi danh toàn xứ Bắc Kỳ dưới thời Pháp thuộc (từ sau năm 1959, đổi tên thành nước mắm Cát Hải cho đến nay) và ở giai đoạn hưng thịnh giữa những năm 1930 được xem là cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Dương (năm 1939 bắt đầu mở đại lí tại Paris, Pháp). Ông Đoàn Đức Ban đã khôn ngoan sử dụng tên của làng Vân, một làng quê Kinh Bắc từ xưa nổi tiếng về nghề làm rượu và nước mắm, để làm thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhờ vậy đã chiếm được lòng tin của toàn miền Bắc và đạt được thành công lớn.

    Doanh nhân Đoàn Đức Ban cũng chính là thân phụ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả của nhiều những ca khúc tiền chiến bất hủ: Tình nghệ sĩ, Lá thư, Đường về Việt Bắc, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay...

    Ông Đoàn Đức Ban

    Ông Đoàn Đức Ban

  25. Đến nay vẫn còn tranh cãi về hai chữ "Vạn Vân" được nhắc đến trong câu này. Nếu viết hoa chữ "Vạn" thì đây là thương hiệu nước mắm Vạn Vân. Nếu viết thường thì có lẽ câu này muốn chỉ làng Vân (vạn nghĩa là làng chài).
  26. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  27. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  28. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  29. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  30. Bến Nghé
    Địa danh ban đầu là tên đoạn sông Sài Gòn, đoạn chảy qua thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, sau đó được dùng để chỉ vùng trung tâm Sài Gòn. Hiện nay Bến Nghé là tên một phường thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:

    1. Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
    2. Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà "người ta thường cho trâu, bò ra tắm."

    Trước đây, nhắc đến vùng Đồng Nai - Bến Nghé nghĩa là nhắc đến cả vùng đất Nam Bộ.

    Bến Nghé của tiền tan bọt nước
    Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

    (Chạy Tây - Nguyễn Đình Chiểu)

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

  31. Cầu Cần
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cầu Cần, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  32. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  33. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương