Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hồ Hán Thương
    Con trai thứ của Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly ban đầu là quan đại thần dưới thời nhà Trần, sau đó cướp ngôi nhà Trần (năm 1400), đổi tên nước là Đại Ngu (Ngu ở đây có nghĩa là an vui, hòa bình). Ông làm vua được một năm, rồi truyền ngôi cho con trai thứ là Hồ Hán Thương năm 1401. Hồ Quý Ly trở thành Thái Thượng Hoàng nhưng vẫn nắm mọi quyền hành trong tay. Hồ Quí Ly xây kinh đô mới ở Thanh Hóa gọi là Tây Đô (hay còn gọi là thành Nhà Hồ, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) và ra lệnh bỏ Thăng Long, dời đô vào Thanh Hóa. Phế tích của thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

    Thành Nhà Hồ

    Thành Nhà Hồ

  2. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  3. Theo nhà văn Phạm Viết Đào thì "Câu ca dao trên xuất hiện trong thời gian nhà Hồ đang dời đô vào Thanh Hóa, mô tả một chuyện tình bi đát của một căp vợ chồng trẻ. Người chồng là một vị tướng của nhà Hồ, dĩ nhiên là phải theo vua (Hồ Hán Thương) vào Tây Đô. Người vợ thuộc dòng quí tộc, còn quyến luyến với Thăng Long, không muốn rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình cho nên không muốn cùng đi với chồng; hẹn với chồng là mình sẽ vào Tây Đô sau. Khi gần tới Tây Đô, người chồng linh cảm có chuyện không lành ở nhà, chàng bèn quay đầu ngựa, phóng về nhà. Khi vào trong nhà thì chàng thấy mọi người đều tỏ vẻ hoảng hốt. Cô em họ của vợ vội chạy ra bảo chàng cùng đi với mình để tìm chị mình (người vợ của vị tướng). Khi ra tới bờ Hồ Tây, chàng trai chỉ thấy một đôi hài và một tờ giấy đặt trên cái lá sen. Tờ giấy ghi vỏn vẹn có hai câu thơ:

    Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ.
    Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây.

    Đọc xong, chàng biết rằng vợ mình đã nhảy xuống hồ tự tử."

  4. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  5. Phú Bông
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  6. Trà Đỏa
    Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
  7. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  8. Cân phân
    Bằng nhau, đồng đều.
  9. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  10. Khanh tướng
    Khanh và tướng, hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  11. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  12. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  13. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  14. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  15. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  16. Bằng trang
    Bằng cỡ, cỡ như.
  17. Chùa Nhiễu Long
    Tên dân gian là chùa Cao, một ngôi chùa cổ nay thuộc địa phận thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây một ngôi chùa lớn nhất huyện Hương Sơn.

    Chùa Nhiễu Long

    Chùa Nhiễu Long

  18. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  19. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  20. Có bản chép: "khiến"
  21. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  22. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  23. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  24. Hậu Lộc
    Tên một huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như di chỉ khảo cổ học văn hóa Hoa Lộc, khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu, Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh...
  25. Mình hạc xương mai
    Thân mình mảnh mai như hạc, xương nhỏ như cành mai. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là "Nhỏ xương ốm yếu, thanh cảnh, cốt cách lịch sự."
  26. Khẳm
    Đầy đủ (từ cũ).
  27. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu