Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  2. Trường kỉ
    Một kiểu bàn ghế truyền thống có mặt ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Một bộ trường kỉ về cơ bản gồm có 2 ghế dài (ghế trường kỉ) và 1 bàn, đóng bằng gỗ gụ, trắc, cẩm, hương, chạm khắc tinh xảo, hoặc đơn giản làm bằng tre. Trường kỉ có nhiều công dụng: tiếp khách quý, làm bàn viết, bày và ăn cỗ, hóng mát, uống trà, hoặc để ngủ.

    Một bộ trường kỉ

    Một bộ trường kỉ

  3. Bàn xoay
    Miền Trung và miền Nam cũng gọi là bàn xây, loại bàn tròn có mặt bàn xoay được.
  4. Y tâm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Y tâm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  5. Chước lượng
    Nghĩa gốc chỉ cân lường rượu gạo, sau phiếm chỉ đắn đo, cân nhắc. Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng: Cân nhắc, xê xích sao cho thoả đáng.
  6. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  7. Dao bảy
    Dao của lính ngày xưa để đốn củi, chặt cây nhỏ dọc đường. Có nguồn cho rằng dao bảy có chiều dài lưỡi dao bằng bảy lần bề ngang của bốn ngón tay khép kín, tức là dài khoảng bảy tấc.
  8. Nón chiên
    Nón có ngù bông lông chiên (lông cừu), là một phần trang phục của lính ngày xưa.
  9. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  10. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  11. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  12. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  13. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  14. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  15. Đình So
    Đình làng So (còn có tên là Sơn Lộ) thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 40km. Đình được xây dựng vào năm 1673 dưới đời vua Lê Gia Tông (theo sách Sơn Tây địa chí của Phạm Xuân Độ), được xem coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, một năm có ba lễ lớn: Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch, lễ khao quân tổ chức vào ngày 10/7 âm lịch, còn ngày Thánh Hóa được làm vào ngày 10/12 âm lịch hằng năm.
  16. Yên Sở
    Tên cũ là Cổ Sở, một làng nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, có tên nôm là làng Giá Lụa, hay làng Giá. Làng có ngôi đình tên là đình Yên Sở (tên địa phương là Quán Giá), thờ tướng quân Lý Phục Man, vị danh tướng đời Vua Lý Nam Đế đã hi sinh vì non sông. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội Giá, trong đó có nghi thức rước kiệu.

    Rước kiệu hội Giá

    Rước kiệu hội Giá

  17. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  18. Chùa Quảng Nghiêm
    Còn gọi là chùa Tiên Lữ hay chùa Trăm Gian, một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối.

    Gác chuông chùa Trăm Gian

    Gác chuông chùa Trăm Gian

  19. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  21. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  22. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  23. Hồng trần
    Bụi hồng (từ cũ, văn chương). Tự điển Thiều Chửu giảng: Sắc hồng là mầu đỏ tươi hơn các sắc đỏ khác, cho nên gọi các kẻ được yêu dấu vẻ vang là hồng. Chốn bụi hồng là chỉ các nơi đô hội.

    Đùng đùng gió giật mây vần
    Một xe trong cõi hồng trần như bay

    (Truyện Kiều)

  24. Núi Bồng Lai
    Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo".

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo"

  25. Con đào
    Cách người Nam Bộ trước đây gọi người con gái.
  26. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  27. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  28. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  29. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  30. Lưỡng mục vô châu
    Hai mắt không tròng (thành ngữ Hán Việt).
  31. Theo giai thoại, đây là cuộc hát đối đáp giữa một cô tên là Kiều (“xỉu con cò” nói lái lại thành “xỏ con Kiều”) và một anh chàng mù.
  32. Có bản chép: đeo.