Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lại mặt
    Một lễ trong phong tục cưới xin ở ta. Theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục: Cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ chè xôi đem về nhà vợ lạy gia tiên, gọi là lễ lại mặt, chữ gọi là tứ hỉ.
  2. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  3. Phủ Giầy
    Cũng ghi là Phủ Dầy hay Phủ Giày, một cụm đền chùa tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trong đó, quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh... Hằng năm tại đây tổ chức hội Phủ Giầy vào tháng 3 âm lịch.

    Hội Phủ Giầy

    Hội Phủ Giầy

  4. Tày
    Bằng (từ cổ).
  5. Cung Thuận
    Tên Nôm là làng Me, nay thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Hàng năm làng mở hội Xuân từ ngày mồng 2 đến ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch, với nhiều trò vui dân gian, nhưng đặc sắc hơn cả là trò thi đánh cá vào sáng 4/2.

    Hội đánh cá làng Me

    Hội đánh cá làng Me

  6. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  7. Cẩm Phô
    Tên một làng có từ lâu đời thuộc địa phận phố cổ Hội An, Quảng Nam. Tại đây có đình và chợ cũng có tên là Cẩm Phô. Tên nhân vật Cẩm Phô trong tác phẩm Trại Hoa Vàng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là lấy từ địa danh này.

    Đình làng Cẩm Phô

    Đình làng Cẩm Phô

  8. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  9. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  10. Vìa
    Về (phương ngữ Trung và Nam Bộ), thường được phát âm thành dìa.
  11. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  12. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Sảy
    Cũng viết là sẩy, động tác hất cái nia hoặc sàng đựng lúa lên xuống đều đặn để tách vỏ và hạt lép ra khỏi hạt mẩy.

    Sảy lúa

    Sảy lúa

  14. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  15. Thiên trường địa cửu
    Dài như trời, lâu như đất. Thường được dùng để chỉ tình cảm bền lâu (thành ngữ Hán Việt).
  16. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  17. Ngựa Lồng
    Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn gọi là thác Ngựa hoặc thác Ngựa Oằn.

    Theo Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tóe. Trông dạng nước chảy qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiểu ngựa. Cho nên ba tảng đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung hãn như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa Lồng."

  18. Trâu Đụng
    Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà.

    Theo cuốn Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Trâu ở thác Trâu Đụng lại nằm phía giữa dòng. Và có ba con. Trâu mẹ nằm giữa, hai trâu nghé nằm hai bên. Bè ở trên theo sức nước trôi xuống, nếu lỡ tay sào, thì nhất định bị đụng vào đá, không đụng vào tảng này cũng đụng vào tảng kia. Mà một khi đụng vào thì hoặc chìm hoặc vỡ, chớ khó mà “bình yên.” Cho nên tay sào thật giỏi mới dám qua thác Trâu Ðụng."

  19. Giằng Xay
    Cũng viết là Dằng Xay, tên một cái thác nằm trên sông Cái, thuộc tỉnh Khánh Hoà.

    Theo cuốn Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Mệnh danh như thế là vì thác chảy theo hình cánh chỏ, trông giống dằng xay xay lúa. Nước chảy rất mạnh. Nơi nghẹo cánh chỏ có một cồn cát. Nước chảy xuống dội mạnh vào nghẹo cánh chỏ bị dội trở lại, một phần theo dòng sông chảy xuôi, một phần chạy vòng quanh cồn cát như kiểu xay lúa. Ðó là một điểm nữa làm cho thác lấy tên là Dằng Xay chớ không lấy tên Cánh Chỏ hay Chữ Chi. Bè ghe khi xuống gần đến khúc nghẹo dằng xay, thì các tay sào phải sẵn sàng giơ ra theo hướng thuận tiện để chống vào vách đá cho ghe bè theo đúng đường trôi xuôi. Nếu lỡ tay thì thế nào cũng bị va vào vách đá. Mà một khi bị va thì không vỡ cũng chìm, hoặc bị đẩy lọt vào phần nước bị dội và bị nước cuốn chạy vòng quanh cồn cát, phải tốn nhiều công sức mới ra khỏi vòng xà quây."

  20. Hơi hành giọng tỏi
    Chỉ lời nói dèm pha, khó nghe.
  21. Chân mày vòng nguyệt
    Chân mày hình vòng cung. Đây là kiểu chân mày phù hợp với gương mặt đầy đặn, cân đối, đường nét hài hòa.

    Chân mày vòng nguyệt

    Chân mày vòng nguyệt

  22. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Non Bồng
    "Non Bồng nước Nhược," ý nói cõi tiên, cảnh tiên. "Non Bồng" dịch từ "Bồng sơn," ngọn núi trên đảo Bồng Lai. Tương truyền, Bát Tiên (tám vị tiên trong thần thoại Trung Quốc, gồm: Hán Chung Li, Lã Động Tân, Tào Quốc Cữu, Trương Quả Lão, Lam Thái Hòa, Lý Thiết Quài, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô) ở trong tám động trên đảo Bồng Lai. "Nước Nhược" dịch từ "nhược thủy," nghĩa là nước yếu. Tương truyền, quanh đảo Bồng Lai là biển Nhược Thủy, nước ở đây yếu đến nỗi không đỡ nổi một hạt cải, nghĩa là bỏ hạt cải trên biển Nhược Thủy thì hạt cải chìm xuống.

    Bát tiên

    Bát tiên

  24. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  25. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.
  26. Mựa
    Chớ, đừng (từ cổ).

    Chăn dân mựa nữa mất lòng dân
    (Nguyễn Trãi)

  27. Vũng Dông
    Một vũng biển nhỏ thuộc Sông Cầu, Phú Yên. Tại đây trước kia có nhiều con dông, cư dân thường làm bẫy bắt để làm thức ăn cho gia đình và bán lại cho khách.

    Con dông

    Con dông

  28. Vũng Lấm
    Còn gọi là Vũng Lắm, Ao Xóm Lưới, một địa danh nay thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Gọi là Vũng Lấm vì dọc theo bờ vũng này toàn đất bùn. Phía Đông vũng có cửa thông ra biển, thời xưa tấp nập thương thuyền vào ra buôn bán, trao đổi phẩm vật. Thời bình, Vũng Lấm là thương cảng sầm uất, thời chiến nó trở thành một quân cảng quan trọng. Vịnh Xuân Đài - Vũng Lấm là nơi các văn thân Cần Vương dùng làm căn cứ địa kháng Pháp.

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

  29. Vũng Chào
    Tên một vũng biển thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì mỗi lần ngư dân đánh bắt được các loại cá to (cá bò, cá ngừ...), các ghe thuyền lái buôn vào mua cá, dân phải tiếp đón, chào mời niềm nở với họ.
  30. Vũng La
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở đây có hai mỏm núi nhô ra biển nên cá thường vào ẩn trú. Mỗi lần có mẻ cá dạt vào, ngư dân hô hoán la to, báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt, lệ ấy thành quen, từ đó có tên là Vũng La.
  31. Những địa danh trong bài ca dao này là tên các vũng biển nhỏ thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Từ Đào Nại, một dãy núi chạy xuống phía đông bao bọc vịnh Xuân Đài. Bờ vịnh do ảnh hưởng, của dãy núi nên chỗ thì nhô ra, chỗ lại trũng lõm vào tạo thành năm cái vũng, tên từng vũng đều có ý nghĩa riêng biệt.
  32. Mồng đốc
    Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
  33. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  34. Cầu ván
    Cầu được lát bằng những tấm ván nằm ngang. Đây là một loại cầu rất thường gặp ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, cùng với cầu khỉ, cầu dừa và cầu tre.

    Cầu ván

    Cầu ván