Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  2. Bãi Bàng
    Tên một bãi cát thuộc thôn Phú Ốc, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bãi chạy dài khoảng 300m, phía nam gần với gành Đá Dĩa, cách chừng 100m.

    Tương truyền khi Nguyễn Ánh cùng quân lính bôn tẩu vào Nam, bị quân Tây Sơn chặn đánh tan rã, phải cùng một số cận thần chạy thoát xuống thôn Hội Phú. Quân Tây Sơn đuổi đến thôn Hội Phú, bỗng dưng trời tối như mực, cho là điềm lạ nên không dám xua quân vượt núi. Nguyễn Ánh vượt qua khỏi núi đến dừng chân tạm nơi bãi biển này. Lúc bấy giờ số tàn quân và tướng tá tùy tùng tìm đến, họp bàn rồi dùng thuyền vượt biển vào Nam. Các cụ lão làng lân cận kể lại, từ đó bãi này có tên Bãi Bàng (giọng miền Trung không phân biệt bànbàng).

  3. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  4. Cứt phải trời mưa
    Việc đã hỏng lại càng thêm nát.
  5. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  6. Quýt hôi
    Một giống quýt thường trồng ở miền núi, cây to, khỏe, quả có vỏ màu vàng tái, bóng, bóc ra có mùi hắc, ruột chua.
  7. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  8. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  9. Thuyên dù
    Dù (hay dủ): Khá, lành mạnh (gốc từ cách phát âm của chữ Hán 愈). Thuyên dù: Thuyên giảm nhiều, đỡ nhiều.
  10. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  11. Hát huê tình
    Hay hát hoa tình, cũng gọi hát đối, hát giao duyên, hát ghẹo, lối hát mang âm hưởng hát ru pha với điệu hò, thường có đệm thêm những câu "em ôi," "bớ anh ơi," hay "này bạn mình ơi" v.v. Hát huê tình có nội dung chủ yếu là lời tán tỉnh, trêu ghẹo, ướm tình ý giữa đôi trai gái với nhau.
  12. Sống đời
    Sống hoài, sống mãi.
  13. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  14. Độc
    Đơn lẻ (từ Hán Việt).
  15. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  16. Phần thủ
    Chòi cất bên sông để canh gác.
  17. Chơn
    Chân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Nghĩa Đô
    Địa danh nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước năm 1942, vùng này thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau khi giải phóng Thủ đô (10/1954), Nghĩa Đô sáp nhập với xã An Thái (gồm cả phường Bái Ân cũ) thành xã Thái Đô, quận V. Đến năm 1961 cắt làng An Thái thuộc quận Ba Đình, còn lại xã Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm. Nghĩa Đô gồm bốn thôn (làng) cũ là: Tiên Thượng (làng Tân), Trung Nha (làng Nghè), Vạn Long (làng Dâu) và An Phú, trong đó làng An Phú nổi tiếng với nghề nấu kẹo mạch nha và dệt lĩnh lụa, làng Nghè nổi tiếng nghề làm giấy sắc phong.
  19. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  20. Làng Vòng
    Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.

    Cốm làng Vòng

    Cốm làng Vòng

  21. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  22. Chèo
    Một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tiêu biểu của nước ta, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người sáng lập chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10. Chèo dùng cách nói ví von luyến láy, thường có nội dung lấy từ các truyện cổ tích, truyện nôm, mô tả cuộc sống của người dân. Nhạc cụ được dùng trong chèo gồm đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, các loại trống, chũm chọe...

    Xem vở chèo Hề cu Sứt do nghệ sĩ Xuân Hinh trình diễn.