Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  2. Thanh Liệt
    Tên nôm là làng Quang, một làng cổ thuộc Thăng Long, chạy dọc theo bờ sông Tô Lịch, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đây là quê hương của võ tướng Phạm Tu - khai quốc công thần nhà Tiền Lý, và nhà giáo Chu Văn An.
  3. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  4. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  5. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  7. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  8. Bánh rế
    Loại bánh ngọt được làm bằng khoai lang hoặc khoai mì và đường nấu chảy, tưới lên mặt bánh như cái rế. Bánh là đặc sản của nhiều nơi như Sóc Trăng, Bình Định, Phan Rang, Phan Thiết...

    Bánh rế

    Bánh rế

  9. Chế Bồng Nga
    Che Bonguar (tên thật là Po Binasor hay Po Bhinethuor), tên hiệu của vị vua thứ 3 thuộc vương triều thứ 12 (tức là vị vua đời thứ 39) của nhà nước Chiêm Thành. Trong thời kỳ ông cầm quyền, Chiêm Thành rất hùng mạnh, từng đem quân nhiều lần xâm phạm Đại Việt của nhà Trần. Ông bị giết năm 1390 khi đang đem quân tấn công Thăng Long lần thứ 4. Chế Bồng Nga chết, các vùng đất dưới ảnh hưởng Chiêm Thành đều được Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly sau này) thu hồi.
  10. Bôi tro trát trấu
    Làm nhục, bôi nhọ danh dự người thân bằng những hành vi xấu của mình.
  11. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  12. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Thần Trụ Trời
    Theo truyện cổ tích Việt Nam, thuở ấy, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ, đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Từ đó, trời đất mới phân đôi: Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau ấy là chân trời.

    Khi trời đã cao và khô cứng, thần liền phá tan cột đi, lấy đất đá ném tung ra khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, đống, thành những dải đồi cao. Vì thế, mặt đất ngày nay không còn bằng phẳng mà có chỗ lõm, chỗ lồi. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông.

    Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Người ta kể rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ tức Cột chống Trời.

    Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển...

  14. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  15. Cá hiên
    Một loại cá có thân hình thoi khá cao, dẹp bên, vảy tròn lớn. Ở vịnh Bắc Bộ nước ta có hai loài là cá hiên vằn và cá hiên chấm.
  16. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  17. Bạn biển
    Những người làm mướn về nghề đi biển, nghề cá. Làm nghề này cũng gọi là đi bạn hoặc đi ghe bạn.
  18. Tàu kê
    Cũng viết là tào kê, một cách nói chỉ nghề bán dâm. Theo Nguyễn Hữu Hiệp: Thời Pháp, đã hiện đại hoá một thuật ngữ vốn đã quá cổ xưa, nghe ra có phần mơ hồ và không mấy bảnh, "giới giang hồ" nhân thấy các nhà buôn lớn Triều Châu, Phước Kiến xưng "Tàu khậu" (hay "thổ khố" hoặc "đại khố," là nhà trữ hàng hoá), rồi "tùa kê" với nghĩa "đại gia," phổ dụng rộng ở tầng lớp giàu sang, nhiều tiền lắm của… các mụ chủ chứa bèn tự xem mình là "mẹ tàu kê." (Người Châu Đốc - An Giang làm ăn ở Nam Vang xưa và nay). Lại có nguồn cho rằng chữ này có gốc từ "bảo mẫu," đọc theo giọng Quảng Đông.
  19. Trì Trì
    Tên một giống lúa nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Có ý kiến cho rằng, giống lúa này là do tướng Chăm là Bồ Trì Trì để lại trước khi bị quân nhà Lê truy đuổi phải chạy vào đến Phan Rang vào cuối thế kỉ 15. Lúa Trì Trì có hạt gạo đỏ, khi nấu chín nở nhiều và ngon cơm.
  20. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  21. Đại Huệ
    Tên dân gian là rú (núi) Nậy, dãy núi nằm ở phía Bắc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
  22. Hùng Sơn
    Tên dân gian là rú (núi) Đụn, dãy núi cao 300m nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Trên núi có thành cổ Vạn An, đền thờ và khu mộ Mai Hắc Đế, di tích động Lỗ Ngồi…