Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  3. Chày giã gạo
    Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).

    Giã gạo bằng chày

    Giã gạo bằng chày

  4. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  5. La
    Thấp, gần mặt đất.
  6. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  7. Nâu non
    Màu nâu nhạt.

    Yếm nâu

    Yếm nâu

  8. Tày
    Bằng (từ cổ).
  9. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  10. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  11. Nhót
    Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.

    Quả nhót

    Quả nhót

  12. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  13. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  14. Doi
    Phần bãi ở biển hoặc sông hồ nhô ra mặt nước, được tạo thành từ cát và bùn đất do sóng bồi vào.

    Doi cát ở Trường Sa

    Doi cát ở Trường Sa

  15. Vịnh
    Phần biển ăn sâu vào đất liền, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể.

    Vịnh Cam Ranh thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

    Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

  16. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  17. Gáo
    Đồ có cán dùng để múc nước, thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô.

    Gáo

    Gáo

  18. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  19. Núi Bụt
    Tên một ngọn núi nhỏ nay thuộc địa phận xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

    Cây cối trên núi Bụt

    Cây cối trên núi Bụt

  20. Sông Lại Giang
    Tên dòng sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Sông Lại Giang chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và đổ ra biển Đông qua cửa An Dũ.

    Hạ nguồn sông Lại Giang

    Hạ nguồn sông Lại Giang

  21. An Lão
    Địa danh nay là huyện An Lão thuộc tỉnh Bình Định. Huyện giáp với các huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và An Khê (Gia Lai), bốn phía bao bọc bởi nhiều dãy núi nên còn được gọi là thung lũng An Lão.
  22. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  23. Cân móc
    Còn gọi là cân treo, một loại cân thường gặp trước đây, gồm một thanh ngang có khắc vạch, một đầu treo một quả cân di chuyển được, đầu kia là móc cân. Khi muốn cân, người ta móc hàng hóa vào móc cân rồi dịch chuyển quả cân theo vạch ở đầu kia, cho đến khi nào cân thăng bằng thì đọc số ở vạch.

    Cân móc

    Cân móc

  24. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Móc.
  25. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  26. Tườu
    Con khỉ, dùng với ý bỡn cợt, mắng, rủa.
  27. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  28. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).