Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  2. Vi
    Vây.
  3. Ngầy
    Phiền nhiễu, bực mình.
  4. Gươm trường
    Từ chữ Hán Việt trường kiếm, loại gươm có lưỡi dài.
  5. Nường
    Nàng (từ cũ).
  6. Đò Giàng
    Bến đò thuộc làng Giàng, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  7. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  8. Biên Hòa
    Địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai, nổi tiếng với đặc sản bưởi Biên Hòa. Trong thời kì Pháp thuộc, người Pháp mở nhiều đồn điền cao su tại đây, đồng thời xây dựng ga xe lửa Biên Hòa thuộc tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho phục vụ cho nhu cầu vận chuyển nhân công và thành phẩm.

    Bưởi Biên Hòa

    Bưởi Biên Hòa

  9. Tánh Linh
    Địa danh nay là một huyện miền núi thuộc tỉnh Bình Thuận. Hai chữ Tánh Linh có nguồn gốc từ tiếng Chăm "Play T'nao Linh" nghĩa là "bàu nước thiêng." Trước đây, đây là một vùng đất ma thiêng nước độc.
  10. Loang toàng
    Như luông tuồng. Lung tung, bừa bãi, không biết giữ gìn.
  11. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  12. Ô danh
    Tiếng xấu (từ Hán Việt).
  13. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  14. Nguyệt Biều, Lương Quán
    Tên hai làng nay được hợp nhất thành phường Thủy Biều thuộc thành phố Huế.

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

  15. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  16. Vân Thê
    Một làng nay thuộc địa phận xã Thủy Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây có đình làng Vân Thê, được công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1997.
  17. Sư Lỗ
    Một làng nay thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km về hướng Đông Nam. Làng được thành lập khá sớm (khoảng năm 1558).
  18. Đe
    Khối sắt hoặc thép dùng làm bệ để đặt kim loại lên trên mà đập bằng búa.
  19. Thợ rào
    Thợ rèn.
  20. Thích
    Dùng mũi nhọn châm vào vật gì để khắc, rồi bôi mực cho nổi hình lên.
  21. Chạm
    Khắc, đục lên bề mặt vật rắn (gỗ, đá, kim loại, v.v...) để tạo những đường nét, hình khối mang tính nghệ thuật.
  22. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  23. Hành ngơi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hành ngơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  24. Tấn Tần
    Tên hai nước chư hầu thời Xuân Thu bên Trung Quốc. Cách nói "kẻ Tấn người Tần" chỉ sự xa xôi, cách trở.
  25. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  26. Xoi
    Đào, xới, làm cho thông, cho thoáng.
  27. Rau dừa
    Cũng gọi là cây hoa giếng, một loại cây thân thảo mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng, kết thành bè như rau muống, thường gặp ở các ao hồ. Trước đây những năm mất mùa, nhân dân ta thường vớt rau dừa về ăn độn.

    Cây rau dừa nước

    Cây rau dừa nước

  28. Chim chim
    Loại cây như dú dẻ, hoa thơm, trái hình rẻ quạt  như nhánh chuối, nhưng rất nhỏ, hạt to, khi chín màu đỏ, ăn có vị ngọt.

    Hoa chim chim

    Hoa chim chim

  29. Sen đá
    Cũng gọi là cây hoa đá, một loại cây cây thân cỏ, nhiều nước, xanh quanh năm, thường được trồng làm cảnh. Phần lá phía trên dày, xếp thành hình tròn giống như hoa sen.

    Sen đá

    Sen đá

  30. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  31. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  32. Làng Vòng
    Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.

    Cốm làng Vòng

    Cốm làng Vòng

  33. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  34. Mễ Trì
    Địa danh nay là một phường thuộc quận Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Mễ Trì ngày xưa có tên là Anh Sơn, là một vùng đất đai phì nhiêu màu mỡ, nổi tiếng với giống lúa tám thơm. Theo dã sử, vua Lê Đại Hành là người đã đổi tên Anh Sơn thành Mễ Trì, nghĩa là "ao gạo."
  35. Bần Yên Nhân
    Gọi tắt là làng Bần, một địa danh nay là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Làng Bần nổi tiếng với tương Bần, loại tương đặc trưng của miền Bắc, được sản xuất từ thế kỉ 19.

    Tương Bần

    Tương Bần

  36. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  37. Chun
    Chui (phương ngữ).
  38. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  39. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  40. Xấu hổ.
  41. Dần lân
    Lì lợm, nhẵn mặt (phương ngữ miền Trung). Cũng như lần khân.