Tìm kiếm "Hằng Nga"

Chú thích

  1. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  2. Dông
    Bỏ chạy mất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Đạo hằng
    Đạo thường. Ý nói ăn ở bình thường, ngay thẳng, có đạo đức. Cũng nói là tính (tánh) hằng.
  4. Cô thân
    Cô đơn, một mình (chữ Hán).
  5. Mất hút con mẹ hàng lươn
    Lươn trơn tuột, khó nắm bắt, từ đó mở rộng ra "con mẹ hàng lươn" (người đàn bà bán lươn) mà mất hút thì khó lòng tìm thấy. Chỉ những người (thường là lừa đảo) xong việc thì đi mất, không cách nào tìm lại được.
  6. Nhặt
    Dày, dồn dập (từ Hán Việt). Trái nghĩa với nhặt là khoan (thưa). Ta có từ khoan nhặt, nghĩa là không đều nhau, lúc nhanh lúc chậm.
  7. Hàng săng
    Nghề đóng quan tài.
  8. Làm hàng săng, chết bó chiếu
    Không được sử dụng sản phẩm mà mình làm ra để kiếm sống. Xem chú thích hàng săng.
  9. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  10. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  11. Hàng sông
    Còn gọi là hàng lườn, khoảng cách giữa các hàng lúa tính theo chiều đi giật lùi của người cấy.
  12. Hàng con
    Còn gọi là hàng tay, hàng lúa ngang theo chiều tay cấy.
  13. Bến Đường
    Một bến sông thuộc làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Bảo An trước có nghề nấu đường, ghe thuyền thường ra vào tấp nập ở bến sông này để mua đường, từ đó hình thành tên gọi Bến Đường.
  14. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  15. Phất
    Dán giấy hay lụa phủ lên khung, thường làm bằng tre hoặc gỗ, để tạo thành đồ vật như quạt, đèn lồng, diều.

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

  16. Khiếp
    Nhát gan, sợ sệt (từ gốc Hán Việt).
  17. Dũng
    Dũng cảm, mạnh mẽ, gan góc (từ Hán Việt).
  18. Khuất
    Co, cong; khuất phục (từ Hán Việt).
  19. Thân
    Duỗi (từ Hán Việt).
  20. Lưu Bang
    Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

  21. Hạng Vũ
    Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
  22. Mạo
    Tướng mạo, dáng mặt, vẻ mặt (từ gốc Hán Việt).
  23. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  24. Hàng xáo
    Nghề đong thóc về xay giã thành gạo rồi đem bán để kiếm lãi. "Hàng xáo" còn để chỉ chung những người buôn bán nhỏ, ít vốn, phải xoay xở mua rồi bán trong thời gian ngắn nhất.
  25. Gáo
    Đồ có cán dùng để múc nước, thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô.

    Gáo

    Gáo