Tìm kiếm "ban, buổi, hôm"

Chú thích

  1. Ghe lườn
    Loại thuyền độc mộc, dùng để chuyên chở (nhất là chở lúa) trong các kênh rạch vùng Tây Nam Bộ. Ghe lườn này có dáng thuôn dài, mũi nhọn để dễ di chuyển trên các dòng nước hẹp, nhưng cũng vì thế mà dễ bị lật, chìm.
  2. Đậu
    Góp tiền bạc lại cho đủ, cho nhiều.
  3. Khăn bàn lông
    Khăn mặt, khăn tắm, khăn khổ lớn, mặt khăn có những sợi len mịn đều nhô ra.
  4. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  5. Cắc
    Cách người Nam Bộ gọi đồng hào. Theo học giả An Chi, đây là biến âm của 角 giác, nghĩa là hào.
  6. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Cá lìm kìm
    Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.

    Cá lìm kìm nước ngọt

    Cá lìm kìm nước ngọt

  8. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  9. Mẹt
    Đồ đan bằng tre hoặc mây, hình tròn, nông, thường dùng sắp xếp các loại hàng hóa khác lên trên để bày bán.

    Mẹt bánh bèo

    Mẹt bánh bèo

  10. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  11. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  12. Bá tòng
    Cây bá (trắc) và cây tùng, hai loại cây sống rất lâu năm. Bá tòng vì thế tượng trưng cho tình nghĩa lâu bền. Đồng thời bá tòng cũng chỉ sự tu hành, vì hai loại cây này thường được trồng ở sân chùa.
  13. Bợ
    Một loại thúng rổ nhỏ dùng để đựng hàng hóa đặc biệt hơn những loại hàng hóa để bán đại trà. Thường thường bợ được để bên dưới thúng rổ khác, hàng hóa bên trong được đậy kín và để dành cho người đã đặt mua từ trước.
  14. Phán mại
    Mua bán (phán: bán, mại: mua).
  15. Thương hàn
    Bệnh cảm lạnh theo Đông y (lưu ý phân biệt với bệnh thương hàn của Tây y, một bệnh về đường tiêu hóa).
  16. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  17. Chợ Quán
    Một địa danh thuộc Sài Gòn xưa, nguyên là ban làng Tân Kiểng, Nhơn Giang (trước 1885 mang tên Nhơn Ngãi) và Bình Yên sáp nhật lại. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong sách Sài Gòn năm xưa thì: Gọi là “Chợ Quán” vì thuở trước chợ nhóm họp dưới gốc những cây me đại thọ lối nhà thương Chợ Quán hiện nay. Chung quanh chợ có nhiều quán xá lốc cốc tựu một chỗ nên đặt tên làm vậy.
  18. Chợ Cầu Kho
    Trước khi bị giải tỏa năm 2009, chợ nằm ở phường Cầu Kho, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ này được xây năm 1805, vì nằm gần chiếc cầu bên kho cẩm thảo (kho chứa lúa) của triều đình Huế nên có tên là Chợ Cầu Kho, hoặc chợ Kho.
  19. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  20. Đây là hai câu trong bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, một thi sĩ Trung Quốc thời Đường. Nguyên văn Hán Việt:

    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

    Trần Trọng Kim dịch:

    Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
    Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
    Con thuyền đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

  21. Thong manh
    (Mắt) bị mù hoặc nhìn không rõ, nhưng trông bề ngoài vẫn có vẻ như bình thường.
  22. Quáng gà
    (Mắt) nhìn không rõ vào ban đêm hay trong điều kiện thiếu ánh sáng, như lúc chiều tối.
  23. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  24. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  25. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  26. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.