Tìm kiếm "bào chế"

Chú thích

  1. Quả báo
    Một quan niệm theo thuyết nhân quả của Phật giáo, theo đó mọi việc làm ra (nhân) đều có trả giá (quả). Quả báo là báo ứng cho những việc xấu mà một người đã làm.
  2. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  3. Nhãn tiền
    Nhãn là con mắt. Tiền nghĩa là "trước." Nhãn tiền dịch nghĩa là "trước mắt," thấy ngay nhãn tiền nghĩa là xảy ra ngay lập tức.
  4. Một dây
    Liên tiếp, nhiều.
  5. Mỗi người làm việc bằng hai
    Phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc phát động năm 1964 nhằm huy động nguồn lực cho chiến tranh với Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Câu khẩu hiệu này nay vẫn còn được nhắc lại ở nhiều nhà máy, xí nghiệp thuộc nhà nước quản lý.
  6. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  7. Vải the
    Loại vải dệt bằng tơ nhỏ sợi, mỏng, thưa, không bóng, thời trước thường được dùng may áo dài khoặc khăn, màn.

    Áo the, khăn đóng

    Áo the, khăn đóng

  8. Xắc cốt
    Cái túi đeo, đọc theo từ "Sacoche" tiếng Pháp, thường làm bằng da, có khóa bấm. Cán bộ miền Bắc trước đây thường mang loại túi này.

    Xắc cốt

    Xắc cốt

  9. Thuế vụ
    Trong câu này chỉ những nhân viên thu thuế thời bao cấp, họ có chức năng lùng bắt những ai mua bán hàng hóa ngoài hệ thống phân phối của nhà nước.
  10. Câu đầu tiên trong bài ca dao này cũng là một thành ngữ.
  11. Bào hao
    Hùa theo, bắt chước theo mà không biết đến hậu quả.
  12. Cơi
    Đồ dùng thường bằng gỗ, thường có nắp đậy, dùng đựng các vật lặt vặt hoặc để đựng trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  13. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  14. Giấc điệp
    Cũng gọi là giấc bướm (điệp nghĩa là con bướm), nghĩa là giấc ngủ, giấc mộng. Theo Trang Tử: "Ngày xưa Trang Chu nằm mộng thấy mình thành bướm bay nhởn nhơ. Đột nhiên tỉnh dậy, thấy mình lại là Trang Chu. Không biết có phải Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm hay bướm nằm mộng thấy mình là Trang Chu?"
  15. Xuất hạn mồ hôi
    Đổ mồ hôi đầm đìa.
  16. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  17. Đách
    Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
  18. Seiko
    Ta đọc là Xen-cô, một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Nhật.

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

  19. Peugeot
    Đọc là pơ-giô, cũng gọi là , một nhãn hiệu xe đạp của Pháp. Loại xe này có mặt phổ biến ở miền Bắc nước ta vào thời bao cấp, được ưa chuộng nhất là màu đồng hun (gọi là pơ-giô cá vàng).

    Một chiếc xe đạp Peugeot

    Một chiếc xe đạp Peugeot

  20. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  21. Ông bô, bà bô
    Tiếng lóng của miền Bắc, chỉ bố mẹ.
  22. May ô
    Áo thun ba lỗ (một lỗ chui đầu và hai lỗ ống tay). Từ này có gốc từ tiếng Pháp maillot.
  23. Bo bo
    Còn có tên là ý dĩ, một loại ngũ cốc thân cao, hay bị nhầm với lúa mạch, hạt có thể ăn như lương thực hoặc dùng làm thuốc. Trong chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) và cả thời bao cấp (1976 - 1986), dân ta phải ăn cơm độn với bo bo, khoai, sắn, mì...

    Bo bo, tên khoa học là Coix Lacryma-jobi.

    Bo bo