Tìm kiếm "mưa giông"

  • Buồn về một nỗi tháng Giêng

    Buồn về một nỗi tháng Giêng
    Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài
    Buồn về một nỗi tháng Hai
    Ðêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta
    Buồn về một nỗi tháng Ba
    Mưa rầu, nắng lửa người ta lừ đừ
    Buồn về một nỗi tháng Tư
    Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
    Buồn về một nỗi tháng Năm
    Chửa đặt mình nằm gà gáy, chim kêu.
    Bước sang tháng Sáu lại đều
    Thiên hạ cày cấy râm riu ngoài đồng.

  • Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn

    Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn
    Đi vay đi dạm được một quan tiền
    Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng
    Một trứng: ung
    Hai trứng: ung
    Ba trứng: ung
    Bốn trứng: ung
    Năm trứng: ung
    Sáu trứng: ung
    Bảy trứng: ung
    Còn ba trứng nở ra ba con
    Con diều tha
    Con quạ bắt
    Con cắt xơi
    Chớ than phận khó ai ơi
    Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

  • Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn

    Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn
    Đi vay đi dạm được một quan tiền
    Ra chợ Kẻ Diên
    Mua một vác tre
    Về che cái quán
    Ai thù ai oán
    Đốt quán tôi đi
    Tôi thương cái cột
    Tôi nhớ cái kèo
    Tôi thương cái cửa
    Bạn nghèo gặp nhau…

  • Tháng giêng lúa mới chia vè

    Tháng giêng lúa mới chia vè
    Tháng tư lúa đã đỏ hoe đầy đồng
    Chị em đi sắp gánh gồng
    Đòn càn tay hái ta cùng ra đi
    Khó nghèo cấy mướn gặt thuê
    Lấy công đổi của chớ hề lụy ai
    Tháng hai cho chí tháng mười
    Năm mười hai tháng em ngồi em suy
    Vụ chiêm em cấy lúa đi
    Vụ mùa lúa ré, sớm thì ba giăng
    Thú quê rau cá đã từng
    Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan
    Việc nhà em liệu lo toan
    Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà
    Tháng sáu em cấy anh bừa
    Tháng mười em gặt anh đưa cơm chiều

  • Tháng giêng là gió hây hây

    Tháng giêng là gió hây hây
    Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
    Tháng ba gió đưa nước lên
    Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
    Tháng năm là tiết gió tây
    Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
    Tháng bảy gió lọt song đào
    Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
    Tháng chín là tháng gió ngoài
    Tháng mười là tháng heo may rải đồng
    Tháng một gió về mùa đông
    Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
    Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
    Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!

  • Tháng giêng là nắng hơi hơi

    Tháng giêng là nắng hơi hơi
    Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
    Thứ nhất là nắng tháng ba
    Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
    Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
    Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
    Tháng bảy là nắng vừa vừa
    Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
    Tháng chín nắng gắt nắng gay
    Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
    Tháng một là nắng mùa đông
    Tháng chạp có nắng nhưng không có gì

    Dị bản

    • Tháng giêng thì nắng hơi hơi
      Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
      Tháng ba được trận nắng già
      Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
      Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
      Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
      Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
      Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
      Tháng chín nắng ớt, nắng cay
      Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn

  • Tháng giêng thì lúa xanh già

    Tháng giêng thì lúa xanh già
    Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
    Tháng tư cuốc đất trồng lang
    Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
    Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
    Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
    Gặt về đạp lúa phơi rơm
    Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
    Lúa khô giê sạch cất ngay
    Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
    Mùa đông mưa bão nhiều lần
    Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
    Tháng mười cày cấy mưa to
    Trông trời, trông đất cầu cho được mùa

  • Bạn hẹn với ta mồng bốn tháng giêng

    – Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
    Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
    Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
    Tiết xuân con én đưa thoi đã rồi
    Tháng ba, tháng tư ta không thấy bạn thời thôi
    Chim kêu thỏ thẻ trước nơi sân hòe
    Tháng năm, tháng sáu ta chẳng thấy nhắn nhe
    Chim kêu nhỏ nhẻ, mùa hè sang thu
    Chim kêu, vượn hú, cu gù
    Cây khô lá rụng, mịt mù tang thương
    Tháng bảy, tháng tám, tháng chín mưa trường
    Đến khi ta nhắn gửi, hết lời ta lại qua
    Tháng mười, tháng mười một, nước chảy mưa sa
    Đương khi tiết lạnh bạn với ta xa vời
    Còn mình tháng chạp bạn ơi
    Niên tàn nguyệt tận, bạn phải tính cho rồi mưu chi?
    Về nhà ngửa bàn tay tính lại đính đi
    Tháng thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
    Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
    Đớn đau dạ ngọc, xót chua gan vàng!

  • Giường này ai trải chiếu đây

    Giường này ai trải chiếu đây
    Đêm qua không ngủ, đêm nay không nằm
    Một chăn đắp chẳng kín chân
    Hai chăn đắp để muôn phần xót xa
    Ba chăn thương nhớ cả ba
    Hay là mình đã năm ba tớ thầy
    Hay là mình giận ta đây
    Mình cho ta biết một giây kẻo sầu
    Tin đi mối lại đã lâu
    Mình về lấy vợ để sầu cho ta
    Càng nom thì bóng càng xa
    Chàng về lấy vợ cho ta lấy chồng
    Đố ai khuyên gió bóng thông
    Đố ai xúi giục cho rồng phun mưa
    Ruột tằm bối rối vò tơ
    Tay khoan tay rẽ cho thưa mối sầu.

  • Quả địa cầu có bốn đại dương

    Một quả cầu có bốn đại dương
    Dương dương dương cái giường đi ngủ
    Ngủ ngủ ngủ cái tủ đựng tiền
    Tiền tiền tiền cô tiên biết múa
    Múa múa múa công chúa biết bay
    Bay bay bay tàu bay hạ cánh
    Cánh cánh cánh đòn gánh qua sông
    Sông sông sông bông hồng mới nở
    Nở nở nở Thị Nở Chí Phèo
    Phèo phèo phèo con mèo ăn vụng
    Vụng vụng vụng cái bụng nó to
    To to to con bò ăn cỏ
    Cỏ cỏ cỏ tao bỏ mày đi
    Đi đi đi tao phi mày chết
    Chết chết chết là hết cuộc đời.

  • Ví dầu nàng có lòng yêu

    Ví dầu nàng có lòng yêu
    Thì anh mua chín cái niêu để dành
    Cái thời nấu cơm nấu canh
    Cái vỡ đựng muối cái lành đựng tương
    Bốn cái kê bốn chân giường
    Còn một cái nữa thắp hương thờ trời

  • Nhà tôi mượn lấy trời che

    Nhà tôi mượn lấy trời che
    Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
    Tiền của ở tại nhà giàu
    Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
    Nằm thời lấy đất làm giường
    Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
    Xâu làng bắt xuống trì lên
    Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
    Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
    Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
    Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
    Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều

  • Chàng đi để nhện buông mùng

    Chàng đi để nhện buông mùng
    Đêm năm canh thiếp chịu lạnh lùng cả năm
    Đêm nay bỏ thoải tay ra
    Giường không chiếu vắng xót xa trong lòng
    Nửa đêm súc miệng ấm đồng
    Lạnh lùng đã thấu đến lòng chàng chưa?
    Đêm qua tắt gió liền mưa
    Chàng cầm cành bạc thiếp đưa lá vàng
    Một ngày năm bảy tin sang
    Thiếp những mong chàng chàng những mong ai
    Má hồng còn có khi phai
    Răng đen khi nhạt tóc dài khi thưa
    Trông ra phố trách ông trời
    Chỗ ăn thì có chỗ ngồi thì không
    Chém cha cái số long đong
    Càng vương với chữ tình chung càng rầy

  • Một năm chia mười hai kì

    Một năm chia mười hai kì
    Em ngồi em tính khó gì chẳng ra
    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm
    Tháng ba đi bán vải thâm
    Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về
    Tháng sáu em đi buôn bè
    Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô
    Chín, mười cắt rạ đồng mùa
    Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng
    Anh ăn rồi anh lại nằm
    Làm cho em phải quanh năm lo phiền
    Chẳng thà lấy chú lực điền
    Gạo bồ thóc đống còn phiền nỗi chi?

Chú thích

  1. Còn không
    Còn chưa có ai.
  2. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  3. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  4. Diên Sanh
    Tên Nôm là kẻ Diên, một làng xưa thuộc xã Diên Thọ, huyện Lợi Điều, châu Thuận Hóa, nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tại đây có những địa danh như làng Diên Sanh, chợ Diên Sanh (chợ Kẻ Diên), chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước, nhà thờ Diên Sanh...

    Chợ Diên Sanh ngày nay

    Chợ Diên Sanh ngày nay

  5. Cắt
    Loài chim ăn thịt hay chim săn mồi, có cánh mỏng và nhọn, cho phép chúng lao xuống bắt mồi với tốc độ rất cao.

    Chim cắt

    Chim cắt

  6. Có bản chép: Con mặt cắt xơi
  7. Ba câu cuối này có bản chép:

    Con mặt cắt lôi
    Lấy chi đâm lộc nảy chồi
    Lâu ngày cũng qua...

  8. Dạm ngõ
    Một nghi lễ trong phong tục hôn nhân của người Việt. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.
  9. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  10. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  11. Nhánh cây.
  12. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  13. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  14. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  15. Lúa Ba Trăng
    Một giống lúa cổ ở nước ta, thời xưa được trồng nhiều ở Nghệ An, từ lúc gieo mạ tới lúc lúa chín vừa vặn ba tháng. Lúa Ba Trăng cho gạo trắng, cơm dẻo, nhiều bột. (Theo Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn).
  16. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  17. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  18. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  19. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  20. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  21. , hay giê, hoạt động làm cho lúa sạch bằng cách đổ từ trên cao xuống cho gió cuốn đi những bụi rác (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  23. Tiết khí
    Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.

    Tiết khí

    Tiết khí

  24. Én đưa thoi
    Én bay lượn trên bầu trời như thoi trong khung cửi. Thường dùng để chỉ hoặc miêu tả mùa xuân.

    Ngày xuân con én đưa thoi
    Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

    (Truyện Kiều)

  25. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  26. Sân hòe
    Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.

    Sân hòe đôi chút thơ ngây,
    Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình

    (Truyện Kiều)

  27. Niên tàn nguyệt tận
    Hết năm hết tháng (chữ Hán). Cũng nói là niên cùng nguyệt tận.
  28. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  30. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  31. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  32. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  33. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  34. Ễnh ương
    Loài động vật thuộc họ ếch nhái, da trơn, bụng lớn, có tiếng kêu to. Ễnh ương thường xuất hiện vào mùa mưa (mùa sinh sản), nên nhân dân ta hay đánh bắt ễnh ương vào mùa này. Thịt ễnh ương giàu chất đạm, có vị ngọt bùi, beo béo, xương giòn và thơm, chế biến được nhiều món ăn ngon.

    Ễnh ương

    Ễnh ương

  35. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  36. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  37. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  38. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  39. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  40. Bối bừa
    Mây trên trời kết lại trông như những vết bừa trên ruộng.
  41. Tê tê
    Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.

    Con tê tê

    Con tê tê

    Mây vẩy tê tê

    Mây vẩy tê tê

  42. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  43. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  44. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  45. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.