Tìm kiếm "Đi lấy chồng"

  • Con gái lấy thợ câu cua

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh cù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
    Mười một em hãy còn son
    Mười hai vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Anh trông xuống sông

    Anh trông xuống sông
    Buồm rung gió thổi
    Kẻ lặn người lội
    Kẻ chắn người đăng
    Nước bạc lăn tăn
    Phao chìm chuyển động
    Giật lên mau chóng
    Kẻo cá nhả ra
    Mình lấy được ta
    Bõ công ao ước
    Ta lấy được mình
    Thỏa dạ ước ao
    Bõ công anh đốn cần, xe nhợ, buộc phao, mắc mồi.

  • Mình rằng mình quyết lấy ta

    Mình rằng mình quyết lấy ta
    Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
    Hăm ba nay đã đến ngày
    Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
    Tháng giêng năm mới chưa nên
    Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
    Tháng hai có đỗ có khoai
    Ta lại vật nài cho đến tháng tư
    Tháng tư ngày chẵn tháng dư
    Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
    Tháng năm là tháng trâu đầm
    Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
    Tháng sáu lo chửa kịp tiền
    Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
    Tháng bảy là tháng mưa ngâu
    Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
    Tháng tám là tháng trăng thu
    Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
    Tháng chín là tháng mưa rươi
    Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
    Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
    Như chim trong lồng, như cá cắn câu

  • Thư gửi chồng

    Jê-cờ-ri một bức tình thư,
    Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
    Tú xon gạt nước mắt than rằng:
    Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
    Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
    Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
    Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
    Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
    La cua mút mọc, luyn tà,
    La săm biết lấy ai là a-mi
    Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
    Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
    A-mi ai có thấu tình,
    Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
    Pơ-răng qua để làm quà,
    Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
    Tự ngày bước xuống ba-tô
    Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
    Xi vu lét-xê moa tiền,
    Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
    Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
    Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
    Lơ roa Thành Thái Annam
    23 tháng Tám bước sang tháng Mười
    Tên em là Nguyễn Thị Thời.​

  • Tôi lạy ông Cầu bà Quán

    Tôi lạy ông Cầu bà Quán
    Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
    Nó ăn nó chơi
    Như con ngựa ngáp
    Việc làm thì nhác
    Lại hay nỏ mồm
    Củ từ khoai môn
    Bao nhiêu cũng chứa
    Vớt bèo thì ngứa
    Xay thóc nhức đầu
    Chăn trâu ngã nắng
    Chồng giận có mắng
    Thì lại hờn cơm
    Ra chân đống rơm
    Cắn chắt trừ bữa
    Nhà có đám giỗ
    Luộc gà quăng mề
    Thổi cơm thì khê
    Rang vừng thì cháy
    Con mắt nhấp nháy
    Ăn vụng thành thần
    Lấy giẻ chùi chân
    Lấy rơm lau bát…

    Dị bản

    • Tôi lạy ông Cầu bà Quán
      Phù hộ cho mẹ đĩ nhà tôi
      Nó ăn nó chơi
      Nó tươi nó cười
      Như con ngựa ngáp
      Làm ăn chậm chạp
      Có tí nỏ mồm
      Đi chợ bao nhiêu khoai lang củ từ cũng chứa
      Vớt bèo thì ngứa
      Xay lúa nhức đầu
      Chăn trâu ngã nắng
      Chồng giận chồng mắng
      Có tính hờn cơm
      Ra chân đống rơm
      Cắn chắt trừ bữa
      Nay lần mai lữa
      Mày giống tính ai?

  • Năm voi anh đúc năm chuông

    Năm voi anh đúc năm chuông
    Năm cô anh đóng năm giường bình phong
    Còn một cô bé chửa chồng
    Lại đây anh kén cho bằng lòng cô
    Một là ông Cống, ông Đồ
    Hai là ông Bát, ông Đô cũng vừa
    Giả tên bà Nguyệt, ông Tơ
    Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng hùng
    Rồi ra, cửa lại treo cung
    Để cho cô đẻ, cô bồng cô ru
    Ru rằng: con bú, con nô
    Con lẫy, con bò, con chững, con đi
    Ngày sau con lớn kịp thì
    Con học, con viết, con thi cùng người

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

  • Vè Tết

    Hạ lợi bước qua
    Chánh ngày hăm ba
    Lễ đưa ông Táo
    Hai là lễ đáo
    Tảo mộ ông bà
    Cổ tích bày ra
    Truyền cho con cháu
    Từ ngày hăm sáu
    Dĩ chí ba mươi
    Cá thịt tốt tươi
    Ông bà tiếp rước
    Phải dùng cây trước
    Lấy nó làm nêu
    Thiên hạ cũng đều
    Lo chưng đồ đạc

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Con cộc mà lấy thằng què

    Con cộc mà lấy thằng què
    Nấu cơm chẳng chín, nấu chè chẳng sôi
    Têm trầu thì têm lạt vôi,
    Bửa cau long hạt, cộc ơi là què!

    Dị bản

    • Con cộc mà lấy thằng què
      Nấu cơm chẳng chín, nấu chè chẳng sôi
      Đi chợ thì quên mua vôi,
      Mua cau thiếu hạt, mua nồi thiếu vung

  • Chàng trẩy đi, trễ đã mấy đông

    Chàng trẩy đi, kể đã mấy đông
    Cho loan đón gió, cho rồng chờ mưa
    Tấm gan vàng dạ sắt thiếp ngẩn ngơ
    Lấy ai gìn giữ con thơ cho chàng
    Nghĩa vợ chồng đồng tịch đồng sàng
    Đồng sinh đồng tửcưu mang đồng lần
    Chàng trẩy đi, vâng lệnh quân thân
    Thiếp xin đôi chữ Tấn Tần hợp duyên
    Nữa mai bóng quế dãi thềm
    Bóng trăng thấp thoáng ngọn đèn mờ xanh
    Chàng trẩy đi, nước mắt thiếp tôi chạy quanh
    Chân đi thất thểu lời anh dặn dò

  • Một rằng mình quyết lấy ta

    Một rằng mình quyết lấy ta
    Ta về bán cửa bán nhà mà đi
    Ta về bán núi Ba Vì
    Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
    Ta về bán hết ngựa trâu
    Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
    Bán ba mươi sáu Thổ công
    Bán ông Hành khiển, vợ chồng Táo quân
    Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
    Giờ Tí giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
    Ta về bán cả que cời
    Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn
    Ta về bán trống bán kèn
    Có gì bán hết, lấy tiền cưới em

  • Vè Ba Đình chống Pháp

    Cơ trời đất vần xoay chính khí,
    Đấng nam nhi phỉ chí tang bồng,
    Làm cho tỏ mặt anh hùng,
    Giang sơn để mất, trong lòng sao nguôi?
    Nước nhà Tây đã chiếm rồi,
    Chư quân chư tướng ắt thời theo ta.
    Kéo quân về đất Thanh Hoa,
    Tìm nơi hiểm yếu để ta lập đồn.
    Quân truyền điểm được hai vàn
    Đinh công Đại tướng có gan chăng là.
    Đánh Tây Nhâm Ngọ tháng Ba
    Năm mươi khẩu súng cùng là lá lê
    Đạn thời cướp được năm xe,
    Tháng một Bính Tuất kéo về huyện Nga
    Thần công khí giới đem ra,
    Khoa sơn đại bác cho ta tức thì

Chú thích

  1. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  2. Ba tiếng "tội chưa tề" ở đây vừa có nghĩa là "tội nghiệp chưa kìa" theo cách nói của người miền Trung, lại vừa mô phỏng tiếng kèn đám ma "tò tí te."
  3. Dôn
    Chồng (phương ngữ một số vùng Trung Bộ).
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  6. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  7. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  8. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  9. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  10. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  11. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  13. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  14. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  15. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  16. Mưa rươi
    Mưa nhỏ và rất ngắn, thường có vào cuối mùa mưa ở miền Bắc, vào khoảng tháng chín âm lịch, trùng với mùa có rươi ở vùng biển.
  17. Jê-cờ-ri
    Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
  18. Ăng-voa
    Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
  19. Me xừ
    Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
  20. Di-đăng
    Công sứ (từ tiếng Pháp résident).
  21. Tú xon
    Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
  22. Cô soong
    Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
  23. Đờ-puy
    Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
  24. Nô-xờ
    Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
  25. Ê-loa-nhê
    Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
  26. Cu-tô
    Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
  27. La cua
    Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
  28. Mút
    Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
  29. Luyn
    Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
  30. La săm
    Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
  31. A-mi
    Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
  32. Sơ-mi
    Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
  33. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  34. Lơ li
    Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
  35. Biếng ba
    Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
  36. Pơ-răng qua
    Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
  37. Uyn lét
    Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
  38. Ca-đô
    Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
  39. Ba-tô
    Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
  40. Lác-mơ
    Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
  41. Hồ Trúc Bạch
    Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

  42. Xi vu lét-xê moa
    Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
  43. Bông cờ
    Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
  44. Ta xơ
    Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
  45. Ơ-rơ
    Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
  46. Lơ roa
    Vua (từ tiếng Pháp le roi).
  47. Thành Thái
    (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.

    Vua Thành Thái

    Vua Thành Thái

  48. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  49. 23 tháng Tám là ngày âm lịch; tháng Mười là dương lịch, cách nhau hơn một tháng.
  50. Theo Hoàng Ngọc Phách thì Nguyễn Thị Thời là tên một người phụ nữ quê ở Hải Phòng cưới chồng Tây, theo chồng lên Bắc Ninh. Được ít lâu thì chồng về Tây, cô nhờ người viết hộ một lá thư (cô nói ra, người viết ghi vào giấy), sau thành bài ca dao truyền miệng này.
  51. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  52. Ông Cầu bà Quán
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Ông Cầu bà Quán, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  53. Nỏ mồm
    Lắm lời và lớn tiếng, thường hay cãi lại người khác.
  54. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  55. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  56. Ngã nắng
    Hiện tượng kiệt sức, ra nhiều mồ hôi, thở nhanh, có thể ảnh hưởng đến tính mạng do ở lâu ngoài nắng.
  57. Hờn cơm
    Hờn dỗi, bỏ bữa ăn. Cũng gọi là dỗi cơm.
  58. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  59. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  60. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  61. Đội Cung
    Tên thật là Trần Công Cung, tham gia lực lượng lính khố xanh tại Nghệ An và thăng dần lên chức Đội. Đêm 13/1/1941, ông cùng 11 lính đồn Chợ Rạng tiến về Đô Lương giết viên đồn trưởng đồn Đô Lương rồi cùng 25 lính ở đây tiến về Vinh ngay trong đêm đó với mục đích chiếm trại Giám Binh (thành Nghệ An) rồi phát triển ra các nơi khác. Do bị lộ nên nghĩa binh bị đàn áp, binh biến chấm dứt. Cuối tháng 2/1941, Tòa án binh Hà Nội xử 51 bị can trong vụ khởi nghĩa Rạng - Đô Lương. Đội Cung, cai Vỵ cùng 9 người lính khác bị kết án tử hình, 12 người bị án chung thân, 2 người bị án 20 năm khổ sai... Sáng 25/4/1941, ông bị hành quyết ở Vinh.
  62. Sử xanh
    Ngày xưa khi chưa có giấy, sử sách được chép lên miếng tre trúc, có vỏ màu xanh, nên được gọi là sử xanh (thanh sử).

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

  63. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  64. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  65. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  66. Bát
    Bát phẩm. Ở một số triều đại phong kiến ngày trước, cấp bậc quan lại được chia theo phẩm trạch, cao nhất là nhất phẩm, thấp nhất là cửu phẩm.
  67. Đô
    Đô úy, một chức quan chuyên trông coi về mặt quân sự một quận dưới thời phong kiến.

    Cử nhân: cậu ấm Kỷ
    Tú tài: con đô Mỹ
    Thi thế cũng là thi
    Ới khỉ ơi là khỉ!

    (Than sự thi - Tú Xương)

  68. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  69. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  70. Mộng hùng
    Nằm mơ thấy con gấu. Từ này lấy từ một điển cố trong Kinh Thi, đại ý nói nằm mộng thấy gấu là điềm sinh con trai. Người sau hay lấy câu Mộng hiệp hùng bi làm lời chúc mừng người sinh con trai.
  71. Lẫy
    Động tác lật người từ nằm ngửa sang nằm sấp của em bé.
  72. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  73. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  74. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  75. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  76. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  77. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  78. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  79. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  80. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  81. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  82. Hạ lợi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  83. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  84. Lễ đáo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  85. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  86. Dĩ chí
    Cho đến (từ Hán Việt).
  87. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  88. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  89. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  90. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  91. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  92. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  93. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  94. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  95. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  96. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  97. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  98. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  99. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  100. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  101. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  102. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  103. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  104. Quản
    E ngại (từ cổ).
  105. Cộc
    Ngắn, cụt.
  106. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  107. Bửa
    Bổ (phương ngữ miền Trung).
  108. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  109. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  110. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  111. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  112. Đồng lần
    Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
  113. Quân thân
    Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
  114. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  115. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  116. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  117. Thầu dầu
    Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.

    Cây thầu dầu

    Cây thầu dầu

  118. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  119. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  120. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  121. Cơ trời đất
    Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
  122. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  123. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  124. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  125. Ý nhắc đến trận đánh năm Nhâm Ngọ (1882) của nghĩa quân của Đinh Công Tráng, trong đó nghĩa quân cướp được tới 50 khẩu súng.
  126. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  127. Thần công
    Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.

    Súng thần công

    Súng thần công