Tìm kiếm "ăn chơi"

  • Trầu Đồng Nai trầu ăn nhả bã

    Trầu Đồng Nai trầu ăn nhả bã
    Thuốc Đồng Môn thuốc hút phà hơi
    Tôi với mình gá nghĩa nhau chơi
    Ai ngờ gá nghĩa ở đời trăm năm

    Dị bản

    • Trầu Đồng Nai trầu ăn nhả bã
      Thuốc Đồng Môn thuốc hút phà hơi
      Trầu nồng thuốc thắm ai ơi
      Gá duyên chồng vợ trăm năm

  • Vì hoa nguyệt mới sang chơi

    Vì hoa nguyệt mới sang chơi
    Vì hoa nguyệt mới ngỏ lời với hoa
    Nguyệt yêu hoa là người nhan sắc
    Hoa yêu nguyệt là khách văn nhân
    Nguyệt đây hoa đấy cũng gần
    Nguyệt đây hoa đấy giao luân một nhà
    Nguyệt yêu hoa xích lại cho gần
    Để nguyệt than thở ân cần với hoa
    Ước gì nguyệt sánh với hoa
    Ước gì mình sánh với ta hỡi mình
    Ước gì tính sánh với tình
    Ai mang cành quýt cành quỳnh sánh đôi
    Ước gì quế sánh với hồi
    Ước gì thục nữ sánh người văn nhân

  • Tháng giêng ăn tết ở nhà

    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
    Tháng tư đong đậu nấu chè
    Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
    Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
    Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân
    Tháng tám chơi đèn kéo quân
    Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
    Tháng mười buôn thóc, bán bông
    Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.

  • Một mừng ăn một miếng trầu

    Một mừng ăn một miếng trầu
    Hai mừng ta gặp nhau đây tự tình
    Ba mừng tài sắc đều xinh
    Bốn mừng bác mẹ sinh thành được đôi
    Năm mừng nguyện ước một lời
    Sáu mừng duyên phận bởi trời xui nên
    Bảy mừng gặp được bạn hiền
    Tám mừng giải tấm lòng nguyền thủy chung
    Chín mừng tài tử anh hùng
    Mười mừng ta ở cùng chung một nhà
    Mừng chàng mừng thực mừng thà
    Em nay tri kỉ không là mừng chơi
    Chàng ơi ghi hết mọi nơi
    Xin chàng mừng lại cho tôi bằng lòng

  • Sáng mai ăn một bụng cơm no

    Sáng mai ăn một bụng cơm no
    Xách cái rổ đi chợ bến đò
    Mua chín cái trách, xách chín cái lò
    Đem về:
    Cái kho canh ngò
    Cái kho canh cải
    Cái nấu nải chuối xanh
    Cái nấu canh rau má
    Cái nấu cá chim chim
    Cái kho rim thịt vịt
    Cái kho thịt con gà
    Cái kho cà, đu đủ
    Cái kho củ môn tây
    Trời chiều bóng xế trăng xây
    Ham chơi lê lựu, bỏ chín cái trách này quên nêm

    Dị bản

    • Tay em cầm mớ trách đặt quách lên lò
      Một cái kho ngò
      Hai cái kho cải
      Ba cái kho nải chuối xanh
      Bốn cái nấu canh rau má
      Năm cái kho cá chim chim
      Sáu cái kho rim trứng vịt
      Bảy cái làm thịt con gà
      Tám cái kho cà, thù đủ
      Chín cái kho củ môn tây
      Em theo anh cho đến đoạn này
      Tay chân đà bải hoải, chín cái trách này quên nêm .

  • Hôm qua anh đến chơi nhà

    Hôm qua anh đến chơi nhà,
    Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
    Thấy em nằm đất anh thương,
    Anh ra Kẻ Chợ đóng giường kim phong
    Giường anh kim phong
    Bốn bên bịt bạc
    Anh hỏi thật lòng
    Có lấy anh không
    Để anh mua nón thượng quai thâm
    Về cho mà đội
    Anh mà nói dối
    Đã có quỷ thần
    Một trăm việc mần
    Anh chăm lo cả

  • Xỉa cá mè

    Xỉa cá mè
    Đè cá chép
    Tay nào đẹp
    Đi bẻ ngô
    Tay nào to
    Đi dỡ củi
    Tay nào nhỏ
    Hái đậu đen
    Tay lọ lem
    Ở nhà mà rửa

    Dị bản

    • Xỉa cá mè
      Đè cá chép
      Chân nào đẹp
      Thì đi buôn men
      Chân nào đen
      Ở nhà làm chó
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men vàng
      Đem ra ngõ khác
      Ai mua men?
      Mua men gì?
      Men bạc
      Men bạc vác ra ngõ này
      Một quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Hai quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Ba quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Bốn quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Năm quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Sáu quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Bảy quan bán chăng?
      chừng chừng chẳng bán!
      Tám quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Chín quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Mười quan bán chăng?
      Chừng chừng chẳng bán!
      Tôi gởi đòn gánh
      Tôi đi ăn cỗ
      Đi lấy phần về cho tôi
      Nào phần đâu?
      Phần tôi để ở gốc đa
      Chó ăn mất cả!
      Tôi xin đòn gánh
      Đòn gánh gì?
      Đòn gánh tre!
      Làm bè chó ỉa!
      Đòn gánh gỗ?
      Bổ ra thổi!
      Đòn gánh lim?
      Chìm xuống ao
      Đào chẳng thấy
      Lấy chẳng được!
      Xin cây mía
      Ra vườn mà đẵn.

    Video

  • Thơ đúm

    Sớm đi chơi hội
    Tối về quay tơ
    Dải yếm phất phơ
    Miếng trầu, mồi thuốc
    Miếng ăn, miếng buộc
    Miếng gối đầu giường
    Muốn tìm người thương
    Tìm đâu cho thấy?
    Đôi tay nâng lấy
    Cất lấy thoi vàng
    Cái sợi nằm ngang
    Đứt đâu nối đấy

    Đầu rối biếng gỡ
    Tơ rối biếng quay
    Lông mặt lông mày
    Sao anh biếng đánh
    Quần hồ áo cánh
    Bác mẹ sắm sanh
    May áo để dành
    Cho anh mặc mát
    Anh mặc cho mát
    Anh xếp cho gãy nếp ra
    Bác mẹ tuổi già
    Con thơ vấn vít

  • Đũa ngọc sánh với bát vàng

    Đũa ngọc sánh với bát vàng
    Anh hay ăn thuốc, anh sang chơi nhà
    Anh sang em nâng điếu ra
    Điếu thời bằng bạc, xe là đồng đen
    Điếu này còn lạ chưa quen
    Điếu này sáng tỏ như đèn ba dây
    Điếu này hút khói lên mây
    Anh xơi một điếu anh say lừ đừ
    Người ta say rượu lừ đừ
    Sao anh say thuốc cũng như say tình?
    – Say huê, say ngãi, say tình
    Nào ai say đắm mà mình phải lo

  • Con chim manh manh

    Con chim manh manh
    Nó đậu cây chanh
    Tôi vác miểng sành
    Chọi chim chết giẫy
    Tôi làm bảy mâm
    Cho ông một mâm
    Cho bà một dĩa
    Bà ăn hết rồi
    Hỏi con chim gì?
    (Tôi nói)
    Con chim manh manh…

    Dị bản

    • Con chim xanh xanh,
      Nó đậu cành chanh,
      Tôi chành nó chết.
      Đem về làm thịt,
      Được ba nongđầy.
      Ông thầy ăn một,
      Bà cốt ăn hai,
      Cái thủ, cái tai,
      Đem về biếu chú,
      Chú hỏi thịt gì?
      Thịt chim xanh xanh

    • Con chim chích choè,
      Nó đậu cành chanh,
      Tôi ném hòn sành,
      Nó quay lông lốc.
      Tôi làm một chốc,
      Được ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một,
      Bà cốt ăn hai.
      Cái thủ, cái tai,
      Tôi đem biếu Chúa.
      Chúa hỏi chim gì?
      Con chim chích choè

    • Con chim se sẻ
      Nó đẻ mái tranh
      Tôi vác hòn sành
      Tôi lia chết giãy
      Tôi đem tôi kỉnh
      Cho thầy một mâm
      Thầy hỏi chim gì?
      Con chim se sẻ.

    • Con chim se sẻ
      Nó đẻ cành chanh
      Tôi lấy hòn sành
      Tôi chành nó chết
      Mang về làm thịt
      Được ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một
      Bà cốt ăn hai
      Cái thủ cái tai
      Mang lên biếu Chúa
      Chúa hỏi thịt gì
      Thịt con chim sẻ
      Nó đẻ cành chanh…

    • Cái con chim chích
      Nó rích cành chanh
      Tôi lấy mảnh sành
      Tôi vành cho chết
      Gặp ba ngày tết
      Làm ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một
      Bà cốt ăn hai
      Cái thủ cái tai
      Mang lên biếu chú
      Chú hỏi thịt gì
      Thịt con chim chích
      Nó rích cành chanh

    Video

  • Xe Vespa

    Xe Vespa
    Chở bà già
    Đi chơi phố
    Rớt xuống hố
    Đền năm trăm
    Bà không lấy
    Viết tờ giấy
    Nằm nhà thương
    Đau bệnh chi?
    Đau bệnh phổi
    Ăn trái ổi, lành mau
    Ăn trái cau, đau lại
    Tiêm thuốc bại, đau thêm
    Ăn mắm nêm, đau nữa
    Uống li sữa, lành liền

Chú thích

  1. Hát đúm
    Một loại hình ca hát dân gian ở các tỉnh phía Bắc (nổi bật nhất là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), do nhiều thanh niên trai gái cùng tham gia, thường ở dạng đối đáp. Theo người dân vùng ven biển Thủy Nguyên thì hát đúm đã có ở đây cách ngày nay khoảng bảy, tám trăm năm vào thời nhà Trần, nhưng có lẽ phải tới thế kỉ 16 (thời nhà Mạc), sau khi chùa Kiến Linh được tạo dựng ở Phục Lễ thì nó thực sự mới được hát trong lễ hội chùa.

    Xem video về lễ hội hát đúm ở Thủy Nguyên.

  2. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  3. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Thổ Sơn
    Một làng nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
  6. Ngái
    Xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  7. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  8. Đồng Môn
    Một con sông thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì địa danh này bắt nguồn từ chữ Đồng Mun, vì tên gốc của sông trong tiếng Khmer là Tonlé Kompong Chơ Khmau, nghĩa là “sông bến cây đen.”
  9. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  10. Có bản chép: Ai dè gá nghĩa, ở đời với nhau,
  11. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  12. Đương thì
    Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
  13. Quần Phương trung, Quần Phương thượng, và Phương Đê đều là các địa danh thuộc tổng Quần Phương (tên cũ là Quần Anh), nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quần Phương trung có nghề làm thợ mộc, Quần Phương thượng có nghề cắt may, và Phương Đê có nghề nề, đắp tượng.
  14. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  15. Quýt
    Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.

    Quả quýt

    Quả quýt

  16. Quỳnh
    Tên gọi chung cho loài cây cảnh có hoa thường nở về đêm, được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm. Dân ta có có thói quen trồng quỳnh chung với cây cành giao. Hoa quỳnh từ lâu đã đi vào thơ văn và nhạc.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

    Nghe bài Chuyện đóa quỳnh hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

    Hoa quỳnh trắng

    Hoa quỳnh trắng

  17. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  18. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  19. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  20. Đoan Ngọ
    Còn gọi là tết giết sâu bọ, tết đoan dương, đoan ngũ, tổ chức ngày năm tháng năm âm lịch, là ngày tết truyền thống ở ta cũng như Trung Quốc và Triều Tiên. Truyền thuyết về ngày tết này ở mỗi nước đều khác nhau. Trong ngày này, dân ta thường uống rượu nếp hay ăn cơm rượu, bánh tro và các loại trái cây để cho sâu bọ trong người say và chết.

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

    Những món dùng trong ngày tết Đoan Ngọ

  21. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  22. Xá tội vong nhân
    Xá tội: tha tội, vong nhân: người chết. Thời xưa quan niệm khi người ta chết, ai có tội sẽ bị giam dưới âm phủ, đến rằm tháng bảy (âm lịch) thì được Diêm Vương tha cho về dương thế một ngày. Do vậy cứ đến ngày này mỗi năm, người trần lại cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng, quần áo... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu.
  23. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  24. Chung chân
    Góp vốn buôn bán chung với nhau.
  25. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  26. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  27. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  28. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  29. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  30. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  31. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  32. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  33. Môn tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Môn tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  34. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Một, hai... ở đây là cách đếm thứ tự (cái thứ nhất, cái thứ hai...) chứ không phải là số lượng.
  36. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  37. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  38. Kim phong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim phong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  39. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  40. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  41. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  42. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  43. Bài đồng dao này thường được hát khi chơi trò chơi dân gian. Cách chơi: Đứng (hoặc ngồi) thành vòng tròn quay mặt vào nhau, hai tay chìa ra đọc bài đồng dao. Người điều khiển đứng giữa vòng tròn vừa đi vừa khẽ đập vào bàn tay người chơi theo nhịp bài ca, mỗi tiếng đập vào một tay. Tiếng cuối cùng “Rửa” rơi vào tay ai thì người đó phải ra khỏi hàng hoặc bị phạt phải làm một trò khác rồi mới được vào chơi.
  44. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  45. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  46. Vóc
    Thơm ngon (từ gốc Hán).
  47. Công đường
    Nơi quan trường dưới chế độ phong kiến. Người Nam Bộ cũng gọi chữ này là công đàng.
  48. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  49. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  50. Hồ
    Kĩ thuật làm cho sợi dệt hoặc vải thấm đều một lớp nước có pha lớp bột hoặc keo cho cứng.
  51. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  52. Xe
    Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  53. Đồng đen
    Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
  54. Đèn ba dây
    Loại đèn dầu lớn, thường được treo trên tường hoặc trên trần nhà để chiếu sáng cho cả phòng.

    Đèn ba dây

    Đèn ba dây

  55. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  56. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  57. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  58. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  59. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  60. Chành
    Mở rộng về bề ngang, như banh.
  61. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  62. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  63. Thủ
    Đầu (từ Hán Việt).
  64. Lia
    Ném, vứt.
  65. Kỉnh
    Kính (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng hiểu là kính biếu, kính tặng.
  66. Vespa
    Một nhãn hiệu xe máy nổi tiếng của Ý, khá phổ biến ở miền Nam trước 1975.

    Một bãi đỗ toàn xe Vespa ở Sài Gòn xưa

    Một bãi đỗ toàn xe Vespa ở Sài Gòn xưa

  67. Thuốc bại
    Thuốc chữa bại liệt.
  68. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận