Tìm kiếm "từ nan"

  • Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?

    Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
    Cái gì sáng tỏ hơn sao trên trời?
    Cái gì em trải anh ngồi?
    Cái gì thơ thẩn ra chơi vườn đào?
    Cái gì mà sắc hơn dao?
    Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
    Cái gì trong trắng ngoài xanh?
    Cái gì soi tỏ mặt anh, mặt nàng?
    Cái gì xanh, đỏ, trắng, vàng?
    Cái gì ăn phải dạ càng tương tư?
    Cái gì năm đợi tháng chờ?
    Cái gì em đội phất phơ trên đầu?
    Cái gì sắc hơn dao cau?
    Cái gì tiện chũm cho nhau ăn cùng?
    Một quan là mấy trăm đồng?
    Một mối tơ hồng là mấy trăm dây?
    Một cây là mấy trăm cành?
    Một cành là mấy trăm hoa?
    Em ngồi em giảng cho ra,
    Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em
    – Đất thì thấp, trời thì cao
    Ngọn đèn sáng tỏ hơn sao trên trời
    Chiếu hoa em trải anh ngồi
    Khi buồn thơ thẩn ra chơi vườn đào
    Con mắt em sắc hơn dao
    Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh
    Cau non trong trắng ngoài xanh
    Gương tàu soi tỏ mặt anh, mặt nàng
    Chỉ ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng
    Bùa yêu ăn phải dạ càng tương tư
    Đôi ta năm đợi, tháng chờ
    Cái khăn em đội phất phơ trên đầu
    Con mắt anh liếc sắc hơn dao cau
    Cau non tiện chũm cho nhau ăn cùng
    Một quan là sáu trăm đồng
    Một mối tơ hồng là sáu trăm dây
    Một cây là sáu trăm cành
    Một cành là sáu trăm hoa
    Thưa anh em đã giải ra
    Mong anh kết nghĩa giao hòa cùng em!

  • Đào lý một cành, tơ trúc phím loan

    Đào một cành, tơ trúc phím loan,
    Ban tối hôm qua, nguyệt lặn, bóng ông sao tàn.
    Đêm khuya thanh vắng khách hồng nhan lững lờ.
    Cây xanh thì lá cũng xanh,
    Đã trót vin nhành thì hái lấy hoa.
    Cung đàn tỳ bà ai khéo gảy tang tình, tính tang,
    Long ngâm hổ đối, cái cống xang hồ, cái hồ xừ xang
    Anh thương cô nàng như lá đài bi,
    Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương.

  • Nem chợ Sãi

    Nem chợ Sãi,
    Vải La Vang
    Khoai Quán Ngang,
    Dầu tràm Đại Nại
    Mai phường Trúc
    Nước độc Kim Giao
    Gạo Phước Điền
    Chiêng Sắc Tứ
    Khoai từ Trà Bát
    Quạt chợ Sòng
    Cá bống Bích La
    Gà Trà Lộc
    Môn độn An Đôn
    Tôm đồng Mai Lĩnh
    Bánh ít Đạo Đầu
    Trầu nguồn Khe Gió
    Cỗ Trung Đơn
    Thơm Bồ Bản
    Nghệ vàng An Lộng
    Xôi thống Hải Thành
    Gạch Trí Bưu
    Lựu Triệu Phước

    Tối ăn khoai
    Mai ăn sắn
    Nắng Đông Hà
    Đàn bà Hội Yên

  • Trách phận (Nẫu ca)

    Thân trách thân, thân sao lận đận
    Mình trách mình số phận hẩm hiu
    Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
    Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
    Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
    Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
    Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
    Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
    Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
    Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
    Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
    Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
    Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
    Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
    Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
    Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
    Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
    Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
    Nửa trái cà cũng cắn làm năm
    Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
    Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
    Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
    Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
    Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
    Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.

    Video

  • Vè lính mộ

    Tai nghe nhà nước mộ dân,
    những lo những sợ chín mười phần em ôi.
    Anh đi ra mặt biển chưn trời,
    ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
    Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
    nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
    Xót em vò võ một mình,
    anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
    Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
    thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
    Ví dầu anh có mần răng,
    nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
    Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
    trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
    Tư bề sóng bể như sơn,
    đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
    Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
    đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
    Làm thịt con heo quy tế tại đình,
    rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
    Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
    anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
    Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
    tối tăm mù mịt như rồng với mây.
    Hai bên những lính cùng Tây,
    quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…

  • Thiên triều văn

    Thương thay, hỡi các chú ơi
    Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
    Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
    Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
    Một chi đánh ở Đống Đa
    Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
    Phép voi bại trận tiên phong
    Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
    Đao binh tử trận đầy khe
    Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
    Chú sang cứu viện nước Nam
    Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
    Chú thì thắt cổ trên cây
    Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
    Chú thì thác xuống Diêm La
    Chú nào còn sống về nhà đại minh

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Vè say rượu

    Ngôn đa ngữ thất
    Nói trật nhiều điều
    Tiền rượu chúng kêu
    Còn ngồi nói pháo
    Nhiếc rằng nói láo
    Uống chẳng biết lo
    Rượu muốn đong cho
    Tiền không chịu trả
    Say rồi bậy bạ
    Nói dọc nói ngang
    Nằm sá nằm đàng
    Té lên té xuống
    Rượu bao nhiêu cũng uống
    Uống quá mẹ hũ chìm
    Nói như bìm bìm
    Leo dây leo nhợ

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Từ ngày giấy rã hồ trôi

    Từ ngày giấy rã hồ trôi
    Anh ngồi em khóc, em ngồi em than
    Nhạn xa chen bóng cây tàn
    Dưới khe nước chảy, trên ngàn ve kêu
    Ra đi là sự đã liều
    Mưa mai ai biết, nắng chiều ai hay
    Dám đâu trách mẹ trách thầy
    Trách trời sao nỡ đọa đầy tấm thân

  • Vè đi ở

    Tóc quăn chải lược đồi mồi
    Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
    Nên thì tớ ở tớ ăn
    Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
    Tháng năm công việc ê hề
    Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
    Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
    Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
    Tớ ở chưa được nửa năm,
    Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên

  • Ước gì anh lấy được nàng

    Ước gì anh lấy được nàng
    Để anh thu xếp họ hàng đón dâu
    Ông sấm ông sét đi đầu
    Thiên Lôi, La Sát đứng hầu hai bên
    Cầu vồng, mống cái bày lên
    Hai họ ăn uống, có tiên ngồi kề
    Trăng vàng sao bạc bốn bề
    Kỳ lân, sư tử đưa về tận nơi
    Sắm xe sắm ngựa nàng chơi
    Ngựa thời bằng gió, xe thời bằng mây
    Nàng thời má đỏ hây hây
    Ước gì anh được đón ngay nàng về

Chú thích

  1. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  2. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  3. Chũm
    Phần đầu và đuôi của quả cau.
  4. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  5. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  6. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  7. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  8. Cây mận. Trong bài Quân Tử Hành của nhà thơ Tào Thực có câu “Qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan” 瓜田不納履, 李下不整冠, nghĩa là (ở) ruộng dưa chớ xỏ giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ (để tránh tình ngay lí gian).
  9. Phím loan
    Phím đàn. Tương truyền người xưa thường dùng keo làm từ máu chim loan, gọi là keo loan (loan giao) để nối dây đàn và dây cung.
  10. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  11. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  12. Tì bà
    Loại đàn bốn dây có cần đàn và thùng đàn liền nhau, hình dáng như quả lê bổ đôi. Đàn có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại nhưng đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và có mặt trong hầu hết các thể loại nhạc dân tộc.

    Đàn tì bà

  13. Ngũ cung
    Năm âm giai trong âm nhạc dân tộc: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (tương đương với Sol, La, Do, Re, Mi ngày nay). Ở miền Nam có thêm hai âm là Liếu (Líu) và Ú, thật ra là hai nấc trên của Hò và Xự.
  14. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  15. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  16. La Vang
    Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

  17. Quán Ngang
    Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
  18. Dầu tràm
    Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…

    Dầu tràm

    Dầu tràm

  19. Đại Nại
    Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
  20. Phường Trúc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  21. Kim Giao
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  22. Phước Điền
    Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  23. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  24. Chùa Tịnh Quang
    Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.

    Chùa Tịnh Quang

    Chùa Tịnh Quang

  25. Trà Bát
    Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  26. Chợ Sòng
    Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
  27. Bích La
    Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
  28. Trà Lộc
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
  29. An Đôn
    Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
  30. Mai Lĩnh
    Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
  31. Đạo Đầu
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  32. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  33. Khe Gió
    Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.

    Khe Gió

    Khe Gió

  34. Trung Đơn
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  35. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  36. Bồ Bản
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  37. An Lộng
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  38. Xôi thống
    Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
  39. Hải Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
  40. Trí Bưu
    Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
  41. Triệu Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  42. Đông Hà
    Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
  43. Hội Yên
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  44. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  45. Phú Lễ
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
  46. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  47. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  48. Có bản chép là Hòn Dùa (Hòn Dừa), cũng là một hòn đảo gần khu vực Hòn Chùa.
  49. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  50. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  51. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  52. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  53. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  54. Chu choa
    Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
  55. Bài này là một tác phẩm của Nguyễn Hữu Ninh, được nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc trên điệu bài chòi, nhưng đã phổ biến đến mức được xem như dân ca của tỉnh Phú Yên.
  56. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  57. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  58. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  59. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  60. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  61. Bể
    Biển (từ cũ).
  62. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  63. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  64. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  65. Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sựViệt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
  66. Giờ Dần
    Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
  67. Chính nguyệt
    Tháng giêng âm lịch.
  68. Huyên hoa
    Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
  69. Đống Đa
    Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

  70. Cầu Duệ
    Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
  71. Tốt xa
    Quân lính (tốt) và xe (xa).
  72. Ý nói đội quân tiên phong của giặc đã thất bại vì khiếp sợ tượng binh của ta.
  73. Cầu nhương
    Tranh cướp nhau để lên cầu.
  74. Có bản chép: Cầu Tương.
  75. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  76. Năn năn
    Xót thương, oán hận (từ cổ).
  77. Hai vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo xuống nước ta, mang tiếng là cứu viện cho Lê Chiêu Thống, nhưng thực chất mang ý đồ xâm lược.
  78. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  79. Câu này có lẽ muốn ám chỉ tướng giặc Sầm Nghi Đống. Khi quan quân đại bại, y đã thắt cổ tự vẫn ở núi Loa, Khương Thượng, gần thành Thăng Long.
  80. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  81. Đại minh
    Giác ngộ, hiểu rõ.
  82. Thảo
    Viết ra.
  83. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  84. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  85. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  86. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  87. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  88. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  89. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  90. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  91. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  92. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  93. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  94. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  95. Ngôn đa ngữ thất
    Trích từ sách Cảnh Hạnh Lục (Minh Tâm Bảo Giám): Ngôn đa ngữ thất giai nhân tửu, nghĩa đoạn thân sơ chỉ vị tiền (nói nhiều, nói bậy đều do rượu, dứt tình nghĩa, chia lìa thân thuộc cũng vì tiền).
  96. Nói pháo
    Nói khoác.
  97. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  98. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  99. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  100. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  101. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  102. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  103. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  104. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  105. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  106. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  107. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  108. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  109. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  110. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  111. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  112. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  113. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  114. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  115. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  116. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  117. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  118. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  119. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  120. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  121. La voa
    Sổ nhật trình.
  122. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  123. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  124. Đế đô: Đế kinh, kinh đô. Ở đây là Huế, kinh đô nhà Nguyễn.
  125. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  126. Chừng mô
    Chừng nào (phương ngữ Trung Bộ).
  127. Thoàn
    Thuyền (cách phát âm của người Nam Bộ ngày trước).
  128. Chín xã Sông Con
    Chín xã thuộc huyện Đại Lộc, quanh lưu vực sông Con. Nơi đây từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương. Vùng này cũng gọi là Tân tỉnh (tỉnh mới, đối lập với Hội An là tỉnh lị cũ do Pháp chiếm đóng).
  129. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  130. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  131. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  132. Chữ vàng
    Chữ của nhà vua phong chức tước.
  133. Ngõ hầu
    Rồi mới có thể, sao cho đạt được (từ cũ).

    "Thôi thì ai cũng hết sức tự tô lục chuốt hồng, chiều chuộng nịnh hót đức lang quân, ngõ hầu được với luôn thì đã đủ là hân hạnh. Ngày thì họ là những tay quản gia đồn điền của ông chủ. Đêm đến họ là vợ..." (Giông tố - Vũ Trọng Phụng)

  134. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  135. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  136. Nam thanh nữ tú
    Đảo ngữ của "nam tú nữ thanh," có nghĩa là nam thì khôi ngô tuấn tú, nữ thì dịu dàng, thanh cao.
  137. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  138. Quản
    E ngại (từ cổ).
  139. Doi
    Phần bãi ở biển hoặc sông hồ nhô ra mặt nước, được tạo thành từ cát và bùn đất do sóng bồi vào.

    Doi cát ở Trường Sa

    Doi cát ở Trường Sa

  140. Hồ giấy
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ giấy, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  141. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  142. Ngàn
    Rừng rậm.
  143. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  144. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  145. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  146. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  147. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  148. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  149. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  150. La Sát
    Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
  151. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  152. Kỳ lân
    Một trong tứ linh, trong văn hóa của một số nước Đông Á. Lân có thể đi trên cỏ mà không làm hư hại cỏ, không làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé sống trên đó. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, và sừng là biểu hiện của từ tâm vì không húc ai bao giờ.

    Tượng kỳ lân

    Tượng kỳ lân

  153. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."