Tìm kiếm "chín mười"

  • Nghé ọ, nghé ơ

    Nghé ọ nghé ơ
    Con nghé nhà ta
    Như bông như hoa
    Như gà trong trứng
    Mẹ nuôi mẹ nấng
    Cho vững đường cày
    Cho ngay đường bừa
    Đi sớm về trưa
    Cày bừa khó nhọc
    Ta săn ta sóc
    Là nghé nghé ơ…

    Dị bản

    • Con nghé nhà ta
      Như bông như hoa
      Như cà muối xổi
      Như ổi chín cây
      Như mây chín chùm
      Nghé ọ nghé ơ…

  • Thiếp thương chàng đừng cho ai biết

    Thiếp thương chàng đừng cho ai biết
    Chàng thương thiếp đừng lộ tiếng ai hay
    Miệng thế gian nhiều kẻ thày lay
    Cực chàng chín rưỡi khổ thiếp đây mười phần

    Dị bản

    • Thiếp thương chàng đừng cho ai biết
      Chàng thương thiếp chờ lộ tiếng ai hay
      Kẻo cái miệng thế gian nhiều kẻ thày lay
      Xấu em đi một nửa, chàng gầy một phân

  • Hỡi ai đi ngược về xuôi

    Hỡi ai đi ngược về xuôi
    Lại đây tôi kể đầu đuôi số mình
    Số tôi quyết chí tu hành
    Từ ngày bác mẹ bẩm sinh lọt lòng
    Ăn chay nằm mộng long đong
    Chín chùa tôi chả bỏ không chùa nào
    Biết rằng duyên số làm sao
    Bao nhiêu gái đẹp thì vào tay tôi
    Chín chùa tu thế cả mười
    Đúc chuông tô tượng xong rồi lại đi
    Tôi nay tính khí cũng kỳ
    Tuần rằm, mồng một tôi thì bỏ quên
    Đêm nằm tưởng gái nằm bên

  • Sớm mai anh đi chợ Gò Vấp

    Sớm mai anh đi chợ Gò Vấp
    Mua một xấp vải đem về
    Cho con hai nó cắt
    Con ba nó may
    Con tư nó đột
    Con năm nó viền
    Con sáu đơm nút
    Con bảy vắt khuy
    Anh mới bước cẳng ra đi
    Con tám nó níu
    Con chín nó trì
    Bớ em mười ơi!
    Sao em để vậy
    Còn gì áo anh.

  • Một lo đứng cửa trông ra

    Một lo đứng cửa trông ra
    Hai lo đi lấy chồng xa nước người
    Ba lo sợ chị em cười
    Bốn lo đi ngược về xuôi sao đành
    Năm lo lúc tử lúc sinh
    Sáu lo con cái một mình đường xa
    Bảy lo còn chút mẹ già ai nuôi
    Chín lo em thiệt cả mười
    Để em kiếm lối tìm nơi đi về

  • Đường trường cách trở ngàn xa

    Đường trường cách trở ngàn xa
    Lấy ai tin tức để mà hỏi han
    Một mình em giữ phòng loan
    Trăng thu, nguyệt tỏ, giãi gan héo dầu
    Trách ai cắt bỏ nhịp cầu
    Để cho lòng thiếp thảm sầu đắng cay
    Đố ai giải được lòng này
    Có ai cởi mối sầu này cho không
    Mỗi ngày đứng cửa dõi trông
    Trách ai chín hẹn những không cả mười

  • Chơi thuyền

    Cái mốt, cái mai
    Con trai, con hến
    Con nhện chăng tơ
    Quả mơ, quả mận
    Cái cận, lên bàn đôi
    Đôi chúng tôi
    Đôi chúng nó
    Đôi con chó
    Đôi con mèo
    Hai chèo ba
    Ba đi xa
    Ba về gần
    Ba luống cần
    Một lên tư
    Tư củ từ
    Tư củ tỏi
    Hai hỏi năm
    Năm em nằm
    Năm lên sáu
    Sáu lẻ tư
    Tư lên bảy
    Bảy lẻ ba
    Ba lên tám
    Tám lẻ đôi
    Đôi lên chín
    Chín lẻ một
    Mốt lên mười
    Chuyền chuyền một, một đôi…

  • Thứ nhất vợ dại trong nhà

    Thứ nhất vợ dại trong nhà
    Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn
    Thứ tư sớm vợ muộn con
    Thứ năm nhà dột, sáu buồn hết ăn
    Bảy buồn vợ chửi cằn nhằn
    Tám buồn nhà cửa một căn hẹp hòi
    Chín buồn nhà nợ đến đòi
    Mười buồn khách đến ngồi dai không về

    Dị bản

    • Thứ nhất vợ dại trong nhà
      Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi

  • Một thương hơ hớ tuổi xuân

    Một thương hơ hớ tuổi xuân
    Hai thương yểu điệu tay chưn dịu dàng
    Ba thương đẹp đẽ dung nhan
    Bốn thương phong thái đoan trang khác vời
    Năm thương dáng đứng vẻ ngồi
    Sáu thương đôi mắt sáng ngời long lanh
    Bảy thương chiếc mũi thanh thanh
    Tám thương miệng nói hữu tình có duyên
    Chín thương má núng đồng tiền
    Mười thương tư cách dịu hiền nết na

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Vè uống rượu

    Một chén giải cơn sầu
    Hai chén còn nhơn đạo
    Ba chén còn gượng gạo
    Bốn chén nổi sân si
    Năm chén sập thần vì
    Sáu chén ngồi ghì xuống đó
    Bảy chén thì đuổi chẳng đi
    Tám chén lóc trộn lộn ra
    Chín chén lóc trộn lộn vô
    Mười chén ai xô tôi ngã
    Mười một chén chửi cha ai xô

    Dị bản

    • Uống một ly nhâm nhi tình bạn
      Uống hai ly giải cạn cơn sầu
      Uống ba ly mũi chảy đầy râu
      Uống bốn ly ngồi đâu nói đó
      Uống năm ly cho chó ăn chè
      Uống sáu ly ai nói nấy nghe
      Uống bảy ly làm xe lội nước
      Uống tám ly chân bước chân quỳ
      Uống chín ly còn gì mà kể
      Uống mười ly khiêng để xuống xuồng

    • Một xị giải phá cơn sầu
      Hai xị mũi chảy đầy râu
      Ba xị nằm đâu ngủ đó
      Bốn xị cho chó ăn chè
      Năm xị làm xe lội nước
      Sáu xị vợ rước về nhà
      Bảy xị ông bà chửi nát
      Tám xị ra đống rác nằm
      Chín xị lên băng ca
      Mười xị ra nghĩa địa

    • Nhất xị mở mang trí hoá,
      Nhị xị giải phá thành sầu,
      Tam xị mũi chảy đầy râu,
      Tứ xị ngồi đâu “đứa” đó,
      Ngũ xị cho chó ăn chè,
      Lục xị vợ đè cạo gió,
      Thất xị mua hòm để đó,
      Bát xị … cho nó chết luôn!

  • Em là con gái làng Keo

    Em là con gái làng Keo
    Em ra thách cưới, thách cheo với chàng
    Xin chàng chín chiếc tàu sang
    Mỗi tàu hai chiếc xà lan đi kèm
    Tàu thì gạo trắng, gân bò
    Tàu thì rượu nếp với vò rượu tăm
    Lá đa hái giữa đêm rằm
    Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi
    Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
    Lại thêm chín chục con dơi góa chồng.

  • Một yêu anh có Seiko

    Một yêu anh có Seiko
    Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
    Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
    Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô
    Năm yêu không có bà bô
    Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về
    Bảy yêu anh vững tay nghề
    Tám yêu sớm tối đi về có nhau
    Chín yêu gạo trắng phau phau
    Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày

    Dị bản

    • Một yêu anh có may ô
      Hai yêu anh có cá khô để dành
      Ba yêu rửa mặt bằng khăn
      Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa

Chú thích

  1. Cà muối xổi
    Món ăn dân dã, thành phần gồm cà pháo trộn đều với muối, nước cốt chanh, riềng, tỏi, ớt, ướp trong khoảng 30 phút là dùng được.

    Cà muối xổi

    Cà muối xổi

  2. Có bản chép: người.
  3. Rùng
    Loại lưới đánh bắt cá có cấu tạo dạng tường lưới, chiều cao tường lưới phải lớn hơn độ sâu nước, sao cho giềng chì luôn sát đáy và giềng phao luôn nổi trên mặt nước. Lưới bao vây một vùng nước và kéo lưới lên bờ hoặc lên thuyền để thu cá.

    Kéo lưới rùng

    Kéo lưới rùng

  4. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  5. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  6. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  7. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  8. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  10. Chợ Gò Vấp
    Chợ thuộc địa bàn quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Chưa rõ năm thành lập chợ.

    Chợ Gò Vấp hồi đầu thế kỉ 20 (nay kiến trúc cũ này không còn nữa).

    Chợ Gò Vấp hồi đầu thế kỉ 20 (nay kiến trúc cũ này không còn nữa).

  11. Đột
    Cách khâu găm đứng mũi kim để may từng mũi thật khít cho chắc chắn.
  12. Cẳng
    Chân (khẩu ngữ).
  13. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  15. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  16. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  17. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  18. Núng
    Lúm (phương ngữ).
  19. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  20. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  21. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  22. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  23. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Sân si
    Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
  25. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  26. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  27. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  28. Băng ca
    Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.
  29. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  30. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  31. Quản
    E ngại (từ cổ).
  32. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  33. Làng Keo
    Làng Keo vốn là tên Nôm của hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Tại đây có ngôi chùa Keo do Không Lộ thiền sư xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông. Năm 1611, sau một trận lụt lớn, làng và chùa cùng bị phá hủy, dân làng Keo phải rời bỏ quê hương: một nửa sang bên tả ngạn sông Hồng lập làng mới, một nửa dời xuống vùng Hành Thiện. Cả hai làng vẫn giữ tên Nôm của làng mình là làng Keo, đồng thời xây chùa Keo trên đất mới.
  34. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  35. Xà lan
    Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.

    Xà lan

    Xà lan

  36. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
  37. Seiko
    Ta đọc là Xen-cô, một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Nhật.

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

  38. Peugeot
    Đọc là pơ-giô, cũng gọi là , một nhãn hiệu xe đạp của Pháp. Loại xe này có mặt phổ biến ở miền Bắc nước ta vào thời bao cấp, được ưa chuộng nhất là màu đồng hun (gọi là pơ-giô cá vàng).

    Một chiếc xe đạp Peugeot

    Một chiếc xe đạp Peugeot

  39. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  40. Ông bô, bà bô
    Tiếng lóng của miền Bắc, chỉ bố mẹ.
  41. May ô
    Áo thun ba lỗ (một lỗ chui đầu và hai lỗ ống tay). Từ này có gốc từ tiếng Pháp maillot.