Con nhạn nó liệng lên mây
Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ
Cái sự dầu dãi tự bấy đến giờ
Kiếp phong trần chị Ba rũ đến bao giờ thì thôi
Tiếc thay sắc nước hương trời
Cớ làm sao phải lạc loài đến đây
Ai làm cho nên nỗi nước non này
Bông hoa sao héo dãi dầu với hoa
Căm gan này nên giận trăng già
Tình này ai tỏ cho ta nỗi lòng
Tìm kiếm "cò bợ"
-
-
Trời mưa mát đất
Trời mưa mát đất, con cá lóc (nó) thoát khỏi nò
Cả tiếng kêu người nghĩa trên bờ,
(Vậy chớ) mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm.Dị bản
Trời mưa mát đất con cá lóc nó thoát khỏi nò
Mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm.
-
Mồng một chơi cửa, chơi nhà
-
Cái niêu bằng quả trứng gà
Cái niêu bằng quả trứng gà
Hết ba lẻ gạo chú là chú ơi
Hết nước tôi đổ mồ hôi
Hết ba miếng củi tôi ngồi tôi lo
Nhà chú lắm gạo nhiều kho
Chú cho ăn ít chẳng cho ăn nhiều
Một bữa có một lưng niêu
Chú thím tưởng nhiều bỏ bớt gạo ra
Bây giờ đã đến tháng ba
Giao trâu cho chú tôi ra tôi về
Chú thím vác tiền đi thuê
Tôi chẳng ở nữa tôi về nhà tôi -
Chàng về em dặn nhời này
-
Chàng đi để nhện buông mùng
Chàng đi để nhện buông mùng
Đêm năm canh thiếp chịu lạnh lùng cả năm
Đêm nay bỏ thoải tay ra
Giường không chiếu vắng xót xa trong lòng
Nửa đêm súc miệng ấm đồng
Lạnh lùng đã thấu đến lòng chàng chưa?
Đêm qua tắt gió liền mưa
Chàng cầm cành bạc thiếp đưa lá vàng
Một ngày năm bảy tin sang
Thiếp những mong chàng chàng những mong ai
Má hồng còn có khi phai
Răng đen khi nhạt tóc dài khi thưa
Trông ra phố trách ông trời
Chỗ ăn thì có chỗ ngồi thì không
Chém cha cái số long đong
Càng vương với chữ tình chung càng rầy -
Ba gian nhà khách
Ba gian nhà khách
Chiếu sạch giường cao
Mời các thầy vào
Muốn sao được thế
Mắm Nghệ lòng giòn
Rượu ngon cơm trắng
Các thầy dù chẳng sá vào
Hãy dừng chân lại em chào cái nao
Đêm qua em mới chiêm bao
Có năm ông cử bước vào nhà em
Cau non bổ, trầu cay têm
Đựng trong đĩa sứ em đem kính mời
Năm thầy tốt số hơn người
Khoa này tất đỗ, nhớ lời em đây -
Vè rượu
Vốn thuốc điên ai kêu là rượu
Hồi khi tề tựu lại có lễ nghi
Gặp rượu li bì hổng kiêng lớn nhỏ
Ỷ mình có võ muốn nói cho hung
Nói chuyện thật lung,
Tới củ chì, roi sắt
Thằng út Hoạt nó bắt
Đóng một trăm đồng
Ăn uống no lòng
Hại con cùng vợ … -
Cục ta cục tác
Cục ta cục tác
Chữ kê là gà
Giữ cửa giữ nhà
Chữ khuyển là chó
Bắt chuột bắt bọ
Chữ miêu là mèo
Ăn cám ăn bèo
Chữ trư là lợn
Vừa cao vừa lớn
Chữ tượng là voi
Ăn trầu đỏ môi
Chữ phật là bụt … -
Kể chuyện đờn bà hư
Ngồi buồn tâm sự chép ra
Có những đờn bà dạo xóm nói dai
Xóm trong chí những xóm ngoài
Nách con nói điệu thài lai tối ngày
Nói thời vo miệng nhướng mày
Vỗ vai vỗ vế múa tay ngoẻo đầu
Miệng thời nhóc nhách nhai trầu
Người trên ý cũng lầu bầu quạu đeo
Lại còn cái tật nói leo
Cái tật nói dóc nói trèo người ta … -
Em trải chiếc chiếu ra
Em trải chiếc chiếu ra
Em ngồi một góc, anh ngồi một góc
Thiếp khóc chàng than
Anh xa em vì bởi thế gian
Cho nên nước mắt nhỏ tràn năm canh
Giậm chân kêu thấu trời vàng
Kêu anh trở lại nhìn nàng thuở xưa
Mai mưa, trưa nắng, chiều xâm
Em là thục nữ có tâm đợi chờ
Khi vui chén rượu con cờ
Khi buồn hoa nở còn chờ trăng thanh
Chiều rày em mới xa anh
Trăm hoa cùng héo, chín mười nhành cùng khô
Cơm ăn chẳng được chỉ nước hồ dưỡng thân
Dang tay anh dứt Châu Trần
Ai xa cho biết, ai gần cho hay -
Đường trường cách trở ngàn xa
Đường trường cách trở ngàn xa
Lấy ai tin tức để mà hỏi han
Một mình em giữ phòng loan
Trăng thu, nguyệt tỏ, giãi gan héo dầu
Trách ai cắt bỏ nhịp cầu
Để cho lòng thiếp thảm sầu đắng cay
Đố ai giải được lòng này
Có ai cởi mối sầu này cho không
Mỗi ngày đứng cửa dõi trông
Trách ai chín hẹn những không cả mười -
Ông trẳng ông trăng
Ông trẳng ông trăng
Xuống chơi với tôi,
Có bầu có bạn,
Có bát cơm xôi,
Có nồi cơm nếp,
Có nệp bánh chưng,
Có lưng hũ rượu,
Có khướu đánh đu,
Thằng cu vỗ chài,
Bắt trai bỏ giỏ,
Cái đỏ ẵm em,
Đi xem đánh cá,
Có rá vo gạo,
Có gáo múc nước,
Có lược chải đầu,
Có trâu cày ruộng,
Có muống thả ao,
Ông sao trên trời. -
Anh tiếc cho ai nuôi dạy mong chờ
Anh tiếc cho ai nuôi dạy mong chờ
Một hai ba bốn tuổi đến bây giờ em lớn khôn
Cái vành khăn em vấn đã tròn
Câu cười tiếng nói đã giòn em lại ngoan
Sợi tơ hồng đã buộc với nhân duyên
Sao em không chịu khó vác cái giang san cho chồng
Nỡ dang tay em dứt tơ hồng
Đứng đầu núi nọ mà trông bên non này
Ánh phong lưu son phấn đọa đày
Thay đen đổi trắng ai rày yêu thương
Dẫu may ra tán tía tàn vàng
Mười phương thiên hạ xem thường có vào đâu
Tấm thân em chẳng nghĩ mặc dầu
Bọn đàn bà còn để tiếng xấu về sau muôn đời
Chị em ơi, thế cũng kiếp người! -
Nắng lên cho mối bắt gà
Nắng lên cho mối bắt gà
Một trăm đàn bà đánh giặc cho vua
Con tép nó kẹp con cua
Một bầy cá mại cõng rùa đi ăn
Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít, đòi ăn con mèo
Chó chạy, chồn rượt đuổi theo
Chuột gặm chân mèo, muỗi đốt cánh dơi
Cây cao bóng mát chơi vơi
Gà con tha quạ lên ngồi cành tre
Con voi ấp trứng sau hè
Gà con đi kiện, vịt què vô Nha
Nực cười rết nuốt trứng gà
Đàn ông có chửa, đàn bà có râu
Trai tơ sắm cối giã trầu
Bà già bạc đầu nằm ngửa trong nôi
Chẳng tin đốt đuốc mà coi
Thầy chùa đang ướp cá mòi nấu chay -
Con cá lý ngư sầu tư biếng lội
Con cá lí ngư sầu tư biếng lội
Em xa anh rồi anh trông đợi biếng ăn
Mang bộ xương cách trí, anh leo lên tháp mười từng
Trông vượt Bảy Núi, trông tuốt Nam Vang, trông quàng Châu Đốc, trông dọc Long Xuyên, trông lên Cao Lãnh, trông thẳng cánh cò bay lên Sài Gòn
Ối thôi thôi em ơi, con mắt anh mòn
Em mải mê xứ lạ, anh đâu còn thấy em! -
Cha Mẹ đập em chín chục, một trăm roi
Cha Mẹ đập em chín chục, một trăm roi
Đều vô một chỗ, máu đổ bầm da
Em ơi, đừng khóc, đừng có la
Rồi ta tìm nơi mô vắng vẻ
Để ta bóp với thoa lần lầnDị bản
Cha mẹ đập một trăm roi trùng vô một lộ
Máu đỏ bầm da
Em ơi em đừng khóc đừng la
Tìm nơi mô vắng vẻ, rồi ta bóp ta thoa lần lần
-
Rủ nhau bước xuống ruộng vàng
Rủ nhau bước xuống ruộng vàng
Nơi lộng tiếng hát, nơi vang tiếng cười
Những trông lúa chín mà vui
Bông ngã bông cúi, bông thời gió lay
Lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay
Lúa vàng nghìn gốc, muôn cây thu về
Bõ khi mưa nắng dãi dề
Bõ công dậy sớm, thức khuya bấy chầy
Trồng cây ăn quả có ngày
Đất kia đâu phụ công này mà lo -
Chim quyên, chim én, chim phụng, chim nhàn
-
Con chim xanh đậu nhành đu đủ
Con chim xanh đậu nhành đu đủ
Nhắc dân làng nhiệm vụ hộ đê
Quản chi công việc nặng nề
Cốt sao bảo vệ được đê vững vàng
Hộ đê, có tổng, có làng
Hộ đê đâu phải một làng mà thôi
Dù mưa dù nắng mặc trời
Làng trên xóm dưới người người quyết tâm
Khó khăn cũng phải dấn thân
Lo xong bổn phận công dân mỗi người
Chú thích
-
- Nhạn
- Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥 chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
-
- Tơ vương
- Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
-
- Sắc nước hương trời
- Chỉ người phụ nữ đẹp.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Nò
- Một hệ thống ngư cụ gồm nhiều cọc tre và lưới khá lớn và phức tạp, được đặt ở hướng nước chảy để hứng luồng cá lúc nước ròng.
-
- Người nghĩa
- Người thương, người tình.
-
- Chợ Quả Linh
- Một chợ nổi tiếng ở Nam Định xưa.
-
- Chợ Trình
- Một cái chợ nổi tiếng ở Nam Định xưa.
-
- Chợ Viềng
- Một phiên chợ Tết đặc biệt của Nam Định xưa. Tương truyền ngày xưa ở Nam Định có đến 3, 4 chợ cùng mang tên chợ Viềng. Chợ Viềng chính nằm ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp vào ngày 8 tháng Giêng. Dân vùng này tin rằng buôn bán vào ngày này sẽ gặp may mắn quanh năm. Do đó, nếu gặp những ngày có mưa gió, lại gặp đò ngang cách trở, dân buôn tự động họp chợ ở một nơi nào đó để buôn bán gọi là “lấy ngày”, cầu may cho cả năm, thế là một phiên chợ Viềng mới được thành hình.
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Nhời
- Lời nói (phương ngữ miền Bắc).
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Hoan hùy
- Hoan hỉ, vui mừng (từ cũ).
-
- Tái lai
- Trở lại lần nữa (từ Hán Việt).
-
- Răng đen
- Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:
"Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."
-
- Đây được cho là mấy câu hát sáo mời mọc sĩ tử của những cô hàng cơm ở Thăng Long ngày xưa mỗi khi ở đây tổ chức kì thi Hương. Các nhà trọ, hàng cơm thường tập trung ở gần trường thi, người trước gọi khu ấy là xóm học trò. Theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ: "Xóm học trò ở vào chỗ nào? Cứ xem như tập Long thành tạp thoại thì di chỉ xóm ấy ở vào khoảng đầu vườn hoa Cửa Nam cho tới ngõ Hội Vũ bây giờ."
-
- Hung
- Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Lung
- Nhiều, hăng. Nghĩ lung: nghĩ nhiều, gió lung: gió nhiều.
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Thài lai
- Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Thục nữ
- Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
-
- Châu Trần
- Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.
Thật là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
(Truyện Kiều)
-
- Phòng loan
- Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài
(Truyện Kiều)
-
- Bánh chưng
- Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.
-
- Khướu
- Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.
-
- Chài
- Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.
-
- Đỏ
- Con gái (phương ngữ Bắc Bộ).
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Căn duyên
- Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
-
- Giang sơn
- Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
-
- Phong lưu
- Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.
Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
Nợ phong lưu kẻ giả có người vay
(Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Tàn
- Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.
-
- Chín phương trời, mười phương Phật
- Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.
Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Chồn đèn
- Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
-
- Nha
- Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Bộ xương cách trí
- Thân hình gầy gò như bộ xương. Thời Pháp thuộc, trong chương trình tiểu học có môn Cách Trí (viết tắt của cách vật trí tri), dạy những kiến thức thông thường về con người và sự vật. Cụm từ "bộ xương cách trí" có lẽ có từ những hình vẽ trong sách học Cách Trí.
-
- Từng
- Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thất Sơn
- Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
-
- Nam Vang
- Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
-
- Châu Đốc
- Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.
Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."
-
- Long Xuyên
- Địa danh nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang. Tiền thân của thành phố này là phủ Đông Xuyên, một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789. Hiện nay Long Xuyên cũng là một điểm đến du lịch của tỉnh, tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc.
-
- Cao Lãnh
- Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
-
- Sài Gòn
- Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.
-
- Bán nguyệt
- Nửa hình tròn (bán nguyệt từ Hán Việt nghĩa là nửa mặt trăng).
-
- Bấy chầy
- Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).
Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
(Truyện Kiều)
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Tùng tam tụ ngũ
- Tụm năm tụm ba (thành ngữ Hán Việt).
-
- Mai
- Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.
-
- Liễu
- Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.
-
- Tổng
- Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.