Tìm kiếm "cà đắng"

  • Mẹ già như chuối ba hương

    Mẹ già như chuối ba hương
    Như xôi nếp mật, như đường mía lau
    Đường mía lau càng lâu càng ngát
    Xôi nếp mật ngào ngạt hương say
    Ba hương lây lất tháng ngày
    Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
    Mẹ già như áng mây trôi
    Như sương trên cỏ, như lời hát ru
    Lời hát ru vi vu trong gió
    Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
    Mây trôi lãng đãng trên ngàn
    Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.

  • Chém cha tục lệ bất công

    Chém cha tục lệ bất công
    Lấy vợ, lấy chồng thì ở mẹ cha
    Người con chẳng dám nói ra
    Cha mẹ ép gả thật là khổ đau
    Người giàu thì lại lấy giàu
    Chúng ta khổ cực có đâu dám vời
    Nào là lễ lạt khắp nơi
    Tuần kia, tiết nọ nhờ người nói năng
    Nào là tiền chục bạc trăm
    Cỗ bàn ăn uống ì ầm đôi bên
    Thắp hương mặc cả số tiền
    Hoặc nhiều hoặc ít phải liền đủ ngay
    Làm cho người rể đắng cay
    Nhờ người khất hộ chịu thay mới đành

  • Anh làm lò đá thì có máy khoan

    Anh làm lò đá thì có máy khoan
    Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
    Anh mà làm được vẹn tuyền
    Thì anh mới được tính tiền công cho
    Công thì bốn tám đồng xu
    Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
    Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
    Nó còn lưu lại để giam giữ mình
    Thằng Tây, thằng xếp một vành
    Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
    Làm thì phoi đá, phong than
    Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
    Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
    Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
    Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
    Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi.

  • Lộ bất hành bất đáo

    Lộ bất hành bất đáo
    Chung bất đả bất minh
    Bây giờ tôi mới rõ sự tình,
    Tại ba với má ở độc, hai đứa mình mới xa.
    Ôm lòng sầu, khuya sớm vào ra,
    Tai nghe trống điểm canh ba nhớ mình,
    Phải chi phụ mẫu thuận tình,
    Phụng loan sum hợp phỉ tình ước mơ.
    Thương mình chép đặng bài thơ,
    Chẳng thương mình giở từng tờ mình coi.

  • Thấy anh hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời

    Thấy anh hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời
    Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
    Kinh nào chạy thẳng nối liền hai nơi?
    Đất nào lắm dốc nhiều đồi?
    Đèn nào cao nhất tiếng đời đều nghe?
    Sông nào tấp nập thuyền bè?
    Hồ nào với biển cập kè bên nhau?
    Trai nào nổi tiếng anh hào?
    Anh mà đáp đặng, má đào em trao
    – Nghe em hỏi tức, anh đây nói phứt cho rồi
    Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
    Có kênh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
    Đất Nam Vang lắm dốc nhiều đồi
    Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe
    Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
    Biển Hồ hai chữ cập kè bên nhau
    Trai Việt Nam nổi tiếng anh hào
    Anh đà đáp đặng, vậy má đào em trao đây!

  • Lương duyên do túc đế,

    Lương duyên do túc đế,
    Giai ngẫu tự nhiên thành,
    Lời nguyền chứng có ông trời xanh,
    Khiến sao nghe vậy, nên anh không phiền.
    Dầu mà phên đất tấm ngả, tấm nghiêng,
    Lời thề giữ trọn không quên nhân nghĩa nghèo,
    Chàng đành thì cha mẹ phải đành theo,
    Như chiếc tàu kia đang chạy, bỏ dây neo phải dừng.

  • Em trải chiếc chiếu ra

    Em trải chiếc chiếu ra
    Em ngồi một góc, anh ngồi một góc
    Thiếp khóc chàng than
    Anh xa em vì bởi thế gian
    Cho nên nước mắt nhỏ tràn năm canh
    Giậm chân kêu thấu trời vàng
    Kêu anh trở lại nhìn nàng thuở xưa
    Mai mưa, trưa nắng, chiều xâm
    Em là thục nữ có tâm đợi chờ
    Khi vui chén rượu con cờ
    Khi buồn hoa nở còn chờ trăng thanh
    Chiều rày em mới xa anh
    Trăm hoa cùng héo, chín mười nhành cùng khô
    Cơm ăn chẳng được chỉ nước hồ dưỡng thân
    Dang tay anh dứt Châu Trần
    Ai xa cho biết, ai gần cho hay

  • Đêm qua lốp đốp mưa rào

    Đêm qua lốp đốp mưa rào
    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
    Đôi bên bác mẹ thì già
    Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
    Mùa hè cho chí mùa đông
    Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
    Hết gạo em lại gánh đi
    Hỏi thăm chàng học trọ thì nơi nao
    Hỏi thăm phải ngõ mà vào
    Vai đặt gánh gạo, miệng chào: Kìa anh

  • Một yêu em béo như bồ

    Một yêu em béo như bồ
    Chân tay ngắn ngủn, đít to như giành
    Hai yêu mắt toét ba vành
    Đầu đuôi khoé mắt nhử xanh bám đầy
    Ba yêu tới cặp môi dày
    Mỗi khi ăn nói bắn đầy dãi ra
    Bốn yêu bộ mặt rỗ hoa
    Lại thêm em có nước da mực Tàu
    Năm yêu mái tóc trên đầu
    Hôi như tổ cú, chấy bâu đầy đàn

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

  • Bến Tre nước ngọt lắm dừa

    Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
    Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm
    Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
    Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
    Xoài chua, cam ngọt Ba Lai
    Bắp thì chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa
    Mắm, bần ven đất phù sa
    Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
    Quýt đường, vú sữa ngổn ngang,
    Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri
    Xẻo Sâu cau tốt ai bì
    Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
    Muối khô ở Gảnh mặn nồng
    Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng
    Bến Tre trai lịch, gái thanh
    Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa.

  • Vui nhất là chợ Đồng Xuân

    Vui nhất là chợ Đồng Xuân
    Mùa nào thức ấy xa gần bán mua
    Cổng chợ có anh hàng dừa
    Hàng cau, hàng quýt, hàng mơ, hàng đào
    Xăm xăm anh mới bước vào
    Thấy anh hàng thuốc hút vào say sưa
    Nứt nẻ thì anh hàng na
    Chua chát hàng sấu, ngọt nga hàng đường
    Thơm ngát thì chị hàng hương
    Tanh ngắt hàng cá, phô trương hàng vàng

  • Truyện Kiều em đã kể làu

    – Truyện Kiều em đã kể làu
    Đố em kể được một câu ba càng
    Kể sao cho được rõ ràng
    Mảnh hương với lại phím đàn trao tay
    Bấy lâu mới được một ngày
    Dừng chân anh đố niềm tây gọi là
    Nhân tình trong đạo chúng ta
    Yêu nhau mới đố một và câu chơi
    Em khôn anh mới thử lời
    Em mà giảng được là người tài hoa
    – Lạ gì đôi lứa chúng ta
    Anh đố em giảng mới là mưu sâu
    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    Em nay phận gái nữ hài
    Anh đố em giảng một bài đã xong
    Xin anh đừng có đèo bòng
    Vui gì thế sự mà mong nhân tình
    Anh đố em mà làm thinh
    Thì anh lại bảo gái trinh không tài
    Bây giờ em đố một bài
    Anh mà giảng được dây hài xin trao
    Truyền Kiều kể lại tiêu hao
    Một câu anh kể làm sao hết Kiều
    – Em đố anh lại giảng ra
    Anh giảng chẳng được người ta chê cười
    Dây hài của đáng mấy mươi
    Bây giờ anh giảng em thời đem ra
    Trăm năm trong cõi người ta
    Mua vui cũng được một vài trống canh

  • Tiếng đồn anh hay chữ

    – Tiếng đồn anh hay chữ
    Lại đây em hỏi thử
    Đôi câu lịch sử Khánh Hòa
    Từ ngày Tây cướp nước ta
    Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,
    Anh hãy nói ra cho em tường?
    – Nghe lời em hỏi mà thương
    Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng
    Vì thù non sông
    Thề không đội trời chung với giặc
    Từ Nam chí Bắc
    Thiếu chi trang dạ sắt, gan đồng

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Nam Định là chốn quê nhà

    Nam Định là chốn quê nhà
    Có ai về mộ cu li ra làm
    Anh em cơm nắm rời Nam
    Theo ông cai mộ đi làm mỏ than
    Cu li kể có hàng ngàn
    Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ
    Điểm mặt nhớn bé cũng vừa
    Từ nhớn chí bé không thừa một ai
    Điểm rồi lại phải theo cai
    Những cai đầu dài thúc giục ra đi
    Ra ngay cà rạp tức thì
    Hỏi chủ cà rạp ta đi tàu nào?
    Anh em bàn tán xôn xao
    – “Ta đi tàu nào đấy hả ông cai?”
    – Xô-pha tới bến đây rồi
    Anh em cơm nước, nghỉ ngơi, xuống tàu
    Xuống tàu chờ đợi đã lâu
    Đến giờ tàu tiến chẳng thấy cai ra
    Cai dặn cứ xuống Xô-pha
    Chừng độ sáu rưỡi thì ra tới Phòng
    Hải Phòng hai sở song song
    Bên kia Hạ Lý, Hải Phòng bên đây
    Một ngày tàu đã tới ngay
    Trông lên Cẩm Phả vui thay trăm đường

  • Cà cưỡng bay cao

    Cà cưỡng bay cao
    Chào mào bay thấp
    Cu bay về ấp
    Quạ bay về trời
    Nghe tiếng chủ mời
    Ra ăn thịt chuột
    Thịt gà đang luộc
    Thịt chuột đang hâm
    Dọn thầy một mâm
    Thầy ăn kẻo tối

    Dị bản

    • Cà cưỡng bay cao
      Chào mào bay thấp
      Cu bay về ấp
      Trở mỏ về trời
      Nghe thấy thầy mời
      Về ăn thịt chuột
      Mâm dưới nhẵn chuột
      Mâm trên nhẵn đầu
      Chín chả ngàn lâu
      Con trâu ních hết

  • Cha sáo, mẹ sáo

    Cha sáo, mẹ sáo
    Trồng một đám dưa
    Đi trưa về sớm
    Bầy quạ ăn chán
    Sáo giận sáo bỏ
    Sáo ra ngoài đồng
    Sáo ăn trái đa
    Người ta bắt đặng
    Cắt cổ nhổ lông
    Tôi thưa với ông
    Tôi là con sáo
    Hay kiện hay cáo
    Là con bồ câu
    Lót ổ cho sâu
    Là con cà cưỡng
    Chân đi lưỡng thưỡng
    Là chú cò ma
    Tối chẳng dám ra
    Là con mỏ nhát
    Chùi đầu xuống cát
    Là con manh manh
    Tấm rách tấm lành
    Là con sả sả
    Miệng cười hỉ hả
    Là con chim cu
    Hay oán hay thù
    Là chim chèo bẻo
    Học khôn học khéo
    Là con le te
    Hay đậu đọt tre
    Là con chèo gấm

  • Vè nói ngược

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè nói ngược
    Năm nay lớn nước
    Thiên hạ được mùa
    Sinh ra cái cua
    Tám càng hai cẳng
    Nhất trọng nhì hiệp
    Vua chúa thì hiền
    Giấy bản thì đen
    Mực tàu thì trắng
    Gan lợn thì đắng
    Bồ hòn thì bùi
    Hương xạ thì hôi
    Thơm tho tổ cú

  • Vè bán quán

    Tui xin mời cô bác
    Cùng quý vị gần xa
    Đi chơi hay về nhà
    Lâu lâu gặp bằng hữu
    Tui mời cho đầy đủ
    Không sót một người nào
    Chủ quán xin mời vào
    Dùng cơm hay hủ tiếu
    Thịt quay cùng xá xíu
    Hễ có tiền là ăn
    Thịt chó xào rau cần
    Thịt bò thì nhúng giấm
    Gà tơ thì nấu nấm
    Chim sẻ thì rô ti
    Cua lột chiên bột mì
    Cá lý ngư làm gỏi
    Nem nướng rồi bánh hỏi
    Trứng vịt, trứng gà ung
    Hẹ bông nấu với lòng
    Cá thu thì kho rục

Chú thích

  1. Chuối ba hương
    Còn gọi là chuối bà hương, một loại chuối lùn, quả khi chín rất dễ rụng.
  2. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  3. Đội xếp
    Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
  4. Lộ bất hành bất đáo, chung bất đả bất minh
    Đường không đi không đến được, chuông không đánh không kêu được. Nguyên trích từ sách Tăng quảng hiền văn (tuyển tập những câu ngạn ngữ dân gian của Trung Quốc): "Lộ bất hành bất đáo, sự bất vi bất thành. Nhân bất khuyến bất thiện, chung bất đả bất minh."
  5. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  6. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  7. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  8. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  9. Hà Tiên
    Địa danh nay là thị xã phía tây bắc tỉnh Kiên Giang, giáp với Campuchia. Tên gọi Hà Tiên bắt nguồn từ Tà Ten, cách người Khmer gọi tên con sông chảy ngang vùng đất này.

    Hà Tiên về đêm

    Hà Tiên về đêm

  10. Kinh
    Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

  11. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  12. Kênh Vĩnh Tế
    Một con kênh đào nằm song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Kênh được vua Gia Long cho bắt đầu đào với tháng 9 âm lịch năm 1819 đến tháng 5 âm lịch năm 1824 mới xong, qua hai lần tạm ngừng rồi tiếp tục đào. Đại Nam nhất thống chí chép: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

  13. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  14. Đèn Châu Đốc
    Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
  15. Cửu Long
    Tên một con sông lớn ở miền Tây Nam Bộ. Gọi là Cửu Long (chín rồng) vì sông đổ ra biển bằng chín cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề, Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai.
  16. Biển Hồ
    Tên nhân dân ta thường dùng để gọi hồ Tonlé Sap, một hồ nước ngọt rộng lớn thuộc Campuchia. Từ thời Pháp thuộc, nhiều người dân Việt Nam đã đến đây lập nghiệp và sinh sống, tạo thành cộng đồng người Việt khá đông đúc cho đến bây giờ.

    Biển Hồ

    Biển Hồ

  17. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành
    Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên.
  20. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  21. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  22. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  23. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  24. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  25. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  26. Ba vành
    Hiện tượng mắt bị gió cát làm cho toét, tạo thành ba vạnh.
  27. Dử
    Gỉ mắt (có nơi gọi là nhử). Miền Trung và miền Nam gọi là ghèn.
  28. Mực Tàu
    Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  29. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  30. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  31. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  32. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  33. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  34. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  35. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  36. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  37. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  38. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  39. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  40. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  41. Sầu riêng
    Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.

    Quả sầu riêng

    Quả sầu riêng

  42. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  43. Cái Mơn
    Một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.

    Về địa danh Cái Mơn, có ý kiến giảng rằng: Cái, từ cổ nghĩa là con rạch. Mơn là do nói trại từ khmum, tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật.

  44. Cồn Lợi
    Một cái cồn thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nằm ở phía nam cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Khoảng 30 năm về trước cồn còn cách bờ khoảng 3km, nay được bãi bồi nối liền với đất liền, trở thành bán đảo. Đây là một "mỏ nghêu" nổi tiếng của Bến Tre.
  45. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  46. Ba Lai
    Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng TrômBa Tri.
  47. Chợ Giữa
    Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
  48. Mỹ Hòa
    Tên một xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  49. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  50. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  51. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  52. Bà Hiền
    Tên một con rạch chảy qua địa bàn xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa sông Hàm Luông.
  53. Tân Thủy
    Tên một xã nằm ven biển thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  54. Sóc Sãi
    Tên một con rạch dài 9km, hình dáng như một vòng cung, bắt đầu từ xã Tiên Thủy, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi đổ ra sông Hàm Luông.
  55. Ba Tri
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

  56. Xẻo Sâu
    Địa danh nay xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng nước ngọt, xưa trồng nhiều cau.
  57. Thạnh Phú
    Một huyện của tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu." Huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Mỏ Cày, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là sông Hàm Luông.
  58. Thạnh Phong
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Cổ Chiên.
  59. Gảnh
    Địa danh có thể là gảnh Bà Hiền, gảnh Mù U ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gảnh là nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy, hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên.
  60. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  61. Phong Nẫm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nằm ở ngã tư sông giữa kênh Giao Hòa và sông Ba Lai.
  62. Chợ Đồng Xuân
    Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.

    Cổng chợ Đồng Xuân

    Cổng chợ Đồng Xuân

  63. Quýt
    Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.

    Quả quýt

    Quả quýt

  64. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu

  65. Sấu
    Loại cây gỗ lớn sống lâu năm, lá thường xanh. Hoa sấu màu trắng, mọc thành chùm, nở vào tháng ba, tháng tư. Quả sấu vị chua, mùi thơm đặc trưng, thường dùng để nấu canh, làm ô mai, sấu dầm, sấu ngâm nước đường... Sấu được trồng phổ biến ở miền Bắc nước ta để lấy bóng mát và lấy quả. Vỏ cây, lá, hoa và quả sấu còn được dùng làm thuốc.

    Quả sấu

    Quả sấu

  66. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  67. Niềm tây
    Nỗi lòng, tâm sự riêng.

    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng, niềm tây sá nào
    (Chinh Phụ Ngâm)

  68. Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:

    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)

    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    (câu 99 đến câu 104)

  69. Phận nữ hài
    Phận đàn bà con gái.

    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp nước há nhường trai.

    (Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)

  70. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  71. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  72. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  73. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  74. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  75. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  76. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  77. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  78. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  79. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  80. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  81. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  82. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  83. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  84. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  85. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  86. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  87. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  88. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  89. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  90. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  91. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  92. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  93. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  94. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  95. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  96. La voa
    Sổ nhật trình.
  97. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  98. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  99. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  100. Cai mộ
    Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
  101. Cà rạp
    Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
  102. Sauvage
    Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
  103. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  104. Hạ Lý
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
  105. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  106. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  107. Chào mào
    Cũng gọi là chóp mào hay chốc mào, một loài chim có mào nhọn trên đầu, hai bên má có lông trắng.

    Chim chào mào

    Chim chào mào

  108. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  109. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  110. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  111. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  112. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  113. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  114. Mỏ nhát
    Một loài chim nhỏ, lông rằn, vàng nâu, mỏ dài nhọn, bay rất nhanh và xa; thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm. Người dân quê thường bắt chim mỏ nhát làm món nướng.

    Chim mỏ nhát

    Chim mỏ nhát

  115. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  116. Sả sả
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sả sả, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  117. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  118. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  119. Le te
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Le te, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  120. Chèo gấm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chèo gấm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  121. Xem thêm bài Vè cầm thú.
  122. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  123. Giấy bản
    Giấy thô làm thủ công bằng vỏ cây, dễ thấm nước, thường dùng để viết bằng bút lông, để thấm khô các vật bị ướt.
  124. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  125. Xạ
    Chất có mùi thơm của hươu xạ và một số loài cầy tiết ra, dùng làm hương liệu hoặc làm thuốc.
  126. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  127. Bằng hữu
    Bạn bè (từ Hán Việt).
  128. Hủ tiếu
    Cũng viết là hủ tíu, cách đọc tiếng Quảng Đông của 粿條 (quả điều), một món ăn của người Triều Châu và người Mân Nam, sau trở thành món ăn rất quen thuộc ở miền Nam. Đặc biệt là Sài Gòn, hầu như trên bất cứ con đường nào cũng có thể bắt gặp một quán hủ tiếu hoặc xe đẩy hủ tiếu (hủ tiếu gõ). Có thể nói Hủ tiếu là món ăn đặc trưng tại Sài gòn, tương tự như phở ở Hà Nội.

    Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ và lòng heo, có thể ăn với thịt bò viên và tương.

    Hủ tiếu

    Hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

    Xe hủ tiếu

  129. Xá xíu
    Cách phát âm của chữ Hán 叉燒 (xoa thiêu), món thịt heo quay theo kiểu Trung Quốc, thường gặp ở miền Nam. Món này vốn bắt nguồn từ cách lấy thịt heo, lạng bỏ xương, ướp gia vị, xỏ ghim rồi đem nướng trên lửa (xoa thiêu có nghĩ là nướng xâu). Thịt thường dùng là thịt vai, ướp mật ong, ngũ vị hương, xì dầu, chao, tương đen hoisin, phẩm màu đỏ, và rượu. Hỗn hợp gia vị trên làm cho món xá xíu có sắc đỏ. Đôi khi mạch nha được dùng quết lên để làm thịt óng ả thêm hấp dẫn. Thịt xá xíu thường có bán ở những hiệu thịt quay người Hoa, bán chung với vịt quay, heo quay, dùng làm nhân bánh bao, trộn với cơm chiên, hoặc ăn kèm với mì hay cơm trắng.

    Xá xíu

    Xá xíu

  130. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  131. Rô ti
    Quay (thịt). Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp rôti.

    Gà rô ti

    Gà rô ti

  132. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  133. Nem nướng
    Một món ăn làm từ thịt heo nạc băm nhuyễn, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng trên bếp than hồng, ăn với bánh tráng và rau sống (dấp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...). Nem nướng nổi tiếng nhất có lẽ là ở Ninh Hòa.

    Nem nướng

    Nem nướng

  134. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  135. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  136. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu